Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong đó phát triển thị trường lao động là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhiệm vụ trên đặt ra nhiều thách thức.
Ngày 24/9, tại Hội thảo trực tuyến “Tham vấn ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu và chưa thể dự báo được khả năng ra sao.
Ở Việt Nam, dịch Covid-19 lấy đi tính mạng hàng nghìn người, đẩy hàng triệu người dân vào cảnh thiếu ăn, thất nghiệp, nợ nần, phá sản… Điều này, tác động không nhỏ đến thị trường lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức trong phát triển thị trường lao động.
Thị trường lao động vẫn bộc lộ bất cập
Theo phân tích của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Điều này thể hiện qua số liệu năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên làm việc tại khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm 31,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8%; khu vực dịch vụ chiếm 36,1%.
Trong khi cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực ngành nghề kinh tế. Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông ở nơi có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh.
Người lao động thường tập trung những nơi có nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp.
Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 70%. Con số này tuy có xu hướng giảm qua các năm nhưng giảm rất chậm.
Đáng lưu ý, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Điều đó minh chứng ở kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới.
Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 115/140 Quốc gia năm 2018; tăng lên 102/141 quốc gia năm 2019; về chỉ số chất lượng đào tạo nghề xếp thứ 128/140 quốc gia năm 2018; chỉ số kỹ năng của sinh viên xếp thứ 116/141 quốc gia năm 2019. Đặc biệt, Việt Nam đứng vị trí 102/216 về chỉ số lao động có chuyên môn. Đây là vấn đề rất quan trọng phải khi nghiên cứu khi tái cơ cấu thị trường lao động.
Ngoài ra, chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động; chưa kịp thời có giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động như vừa qua đại dịch Covid-19, chúng ta đứng trước nhiều thách thức.
Lời giải nào?
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, cơ cấu lại nền kinh tế sẽ có rất nhiều chính sách tác động đến cơ cấu thị trường lao động. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đưa ra 3 lĩnh vực tác động trực tiếp đến thị trường lao động.
Cụ thể, các nền tảng cơ bản bao hàm sự ổn định kinh tế vĩ mô; các chính sách liên quan đến lao động bao gồm cơ chế quản lý và các mối quan hệ lao động; các ưu tiên nhằm khuyến khích tạo công ăn việc làm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề xuất nghiên cứu các giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Lao động ồ ạt trở về quê do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động.
Cụ thể, phát triển thị trường lao động hiện nay cần tập trung vào các giải pháp cơ bản như phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại để bắt kịp cơ hội mới. Ngoài dịch chuyển lao động theo tính truyền thống như khu công nghiệp, dịch vụ công nghiệp thì phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nơi có năng suất lao động thấp sang nơi cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt lưu ý vấn đề kết nối cung cầu lao động, cung lao động gắn cầu thị trường, và để tối ưu hóa sử dụng nguồn nhân lực; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải đảm bảo về cơ cấu, số lượng, phù hợp với thị trường lao động; Chuẩn bị cơ chế chính sách, giữ chân người lao động trở lại thị trường.
“Sau khi đại dịch qua đi, đây là vấn đề rất đáng quan tâm vì đại dịch đã làm cho dòng di chuyển lao động ra khỏi khu vực công nghiệp đô thị như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Liệu họ có quay về thị trường lao động hay không, phải chuẩn bị cơ chế chính sách để thu hút lực lượng lao động này”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đồng quan điểm với ông Bùi Sỹ Lợi, PGS.TS Vũ Sỹ Cường- Học viện tài chính cũng nêu quan điểm: “Thách thức lớn của chúng ta là sau Covid-19, hàng loạt thay đổi về dân cư các vùng. Nếu họ không quay lại thì lấy đâu ra nhân lực làm việc trong các khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai. Như vậy, phải có những chính sách thu hút người lao động trở lại như để đảm bảo cư trú, xây nhà xã hội…
Bình Minh
theo dantri.com.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÔNG TY CỔ PHẦN KCF – TB tuyển lao động kỹ thuật
Công ty TNHH Mai Lâm – Tuyển dụng LĐ kỹ thuật
công ty tnhh thành trung – thông báo tuyển lao động VN vào vị trí dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài
công ty cp đầu tư và phát triển giáo dục quốc tế Thuận Phát – TB tuyển Lao động
CÔNG TY TNHH HƯNG THỊNH LS – TB tuyển Lao động
Thông báo Bổ sung người lao động tham gia giáo dục định hướng khóa K35-SN16/2024
CÔNG TY TNHH TM VÀ DỊCH VỤ QUỐC TẾ BẦU TRỜI XANH – TUYỂN DỤNG
Tuyên truyền chính sách BHTN cho cán bộ, công nhân viên và NLD của Công ty Than Na Dương – VVMI