Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chật vật trên hành trình tìm kiếm một công việc ổn định. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và biến động, tấm bằng đại học không còn là tấm vé “thông hành” như trước.

Thị trường việc làm “cạnh tranh” khốc liệt
Niềm vui ngày ra trường chưa kịp lắng xuống, nhiều tân cử nhân đã phải đối mặt với thực tế phũ phàng của thị trường lao động. Cảnh tượng nộp hồ sơ hàng loạt, chờ đợi những cuộc gọi phỏng vấn trong vô vọng, hay thậm chí là chấp nhận những công việc tạm bợ, trái ngành đã không còn là chuyện hiếm. Giấc mơ về một công việc ổn định, đúng chuyên môn với mức lương tương xứng dường như trở nên xa vời hơn với nhiều người trẻ.
Ngọc Hà, một “cựu sinh viên” đã ra trường gần 1 năm nhưng vẫn đang chật vật tìm kiếm cơ hội việc làm đúng với ngành học, chia sẻ: “Khi mới ra trường, mình có ứng tuyển vào nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực mình học nhưng không được nhận vì còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng. Các công ty thường yêu cầu phải có kinh nghiệm trước đó 6 tháng tới 1 năm”.
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với sinh viên chính là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Số lượng cử nhân tốt nghiệp hàng năm rất lớn, trong khi số lượng việc làm, đặc biệt là những vị trí tốt, lại có hạn. Điều này tạo ra một cuộc “chạy đua” mà không phải ai cũng có thể về đích.

Không chỉ cạnh tranh với nhau, sinh viên ngày nay còn phải đối mặt với một “đối thủ mới” mang tên: Trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu dùng AI để xử lý các công việc đơn giản như nhập liệu, chăm sóc khách hàng, phân tích số liệu cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc những vị trí đầu vào, vốn là cơ hội để người trẻ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, đang dần biến mất.
Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng thẳng thắn chia sẻ rằng, không ít sinh viên mới ra trường còn thiếu những kỹ năng cần thiết cho công việc. Kiến thức được học trong nhà trường đôi khi vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế. Các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, hay đặc biệt là ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) vẫn là điểm yếu của nhiều bạn trẻ. Điều này khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh so với những ứng viên khác, kể cả những người có ít kinh nghiệm hơn nhưng lại sở hữu kỹ năng tốt hơn.
Áp lực “cơm áo gạo tiền” và những ngã rẽ không ngờ
Đằng sau những nụ cười gượng gạo của các tân cử nhân thất nghiệp là cả một gánh nặng về tâm lý và kinh tế. Áp lực từ gia đình, bạn bè và chính bản thân về việc phải nhanh chóng có việc làm, tự chủ tài chính đè nặng lên đôi vai họ. Nhiều người không thể chờ đợi lâu đã phải chấp nhận làm những công việc không đúng chuyên ngành, mức lương thấp, thậm chí là làm những công việc phổ thông chỉ để trang trải cuộc sống.
Vòng luẩn quẩn của việc “rải” CV, chờ đợi rồi lại thất vọng khi nhận được email từ chối hoặc tệ hơn là sự im lặng kéo dài, bào mòn sự tự tin của không ít người trẻ. Nỗi lo về chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền nhà trọ, trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Chính cái áp lực “cơm áo gạo tiền” cấp bách đó đã đẩy nhiều người vào những ngã rẽ không hề mong muốn trên con đường sự nghiệp.

“Tôi từng gửi gần 30 hồ sơ, phỏng vấn hàng chục nơi, nhưng mãi không ai gọi lại. Cuối cùng, tôi chọn chạy xe ôm công nghệ để tự nuôi mình” – Anh N.T, cử nhân tốt nghiệp tại một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ.
Giống như N.T, không ít cử nhân đành “nhắm mắt đưa chân”, làm những công việc trái ngành như phục vụ quán ăn, chạy xe công nghệ hay bán hàng thời vụ. Dù giúp trang trải cuộc sống tạm thời, nhưng những việc này dễ khiến họ mai một chuyên môn, mất định hướng nghề nghiệp và cảm thấy chông chênh. Lương thấp, việc làm bấp bênh, thiếu cơ hội thăng tiến là thực tế phũ phàng mà nhiều người trẻ phải đối mặt.
Nhiều người sau thời gian dài loay hoay ở thành phố đã phải quay về quê trong tâm trạng thất vọng, mang theo cả cảm giác thất bại. Tấm bằng đại học, từng là niềm tự hào, giờ lại vô tình trở thành nỗi ám ảnh khi chưa thể giúp cử nhân có được công việc xứng đáng hay một tương lai như kỳ vọng.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắt khe, sinh viên nói chung đang phải đối mặt với một thực tế nhiều áp lực: cạnh tranh không chỉ với nhau, mà còn với cả máy móc, công nghệ và những đòi hỏi ngày càng cao từ phía nhà tuyển dụng. Việc ra trường không còn đồng nghĩa với có việc làm, và bằng cấp cũng không còn là “tấm hộ chiếu” chắc chắn để bước vào đời.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, nếu không chủ động học hỏi, trang bị kỹ năng phù hợp và biết thích nghi với cái mới, người trẻ rất dễ rơi vào vòng xoáy của thất nghiệp, bấp bênh và hụt hẫng. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng từng cá nhân, mà còn là vấn đề lớn, liên quan đến định hướng giáo dục, chính sách hỗ trợ người lao động trẻ và sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thông báo nghỉ lễ 30/04 và 01/05
Thông báo vị trí việc làm trống tháng 4/2025
Khi tấm bằng đại học không còn là ‘đảm bảo’ cho việc làm
Chi tiết về số lượng cán bộ cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp
CÔNG TY TNHH MTV XNK CÔNG NGHỆ ĐỨC VY – Tuyển LĐ kỹ thuật
CÔNG TY TNHH SX THƯƠNG MẠI THỰC PHẨM KHAI PHÁT – TUYỂN LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ VÀ THƯƠNG MẠI THÀNH AN – TB TUYỂN LAO ĐỘNG
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN SAO BẮC VIỆT – TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT