Xu hướng thí sinh đăng ký đổ dồn vào một số ngành nghề nhất định, hay một số ngành được gọi là ngành “hot” dẫn đến điểm chuẩn các ngành này tăng cao không phải là mới.
Song trên thực tế, trong số những nhóm ngành có điểm chuẩn tăng vọt ấy, một số nhóm ngành đang vừa thừa, vừa thiếu nhân lực, sinh viên phải cạnh tranh gắt gao khi ra trường, thậm chí đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Khó kiểm chứng số liệu thống kê
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, trong số những ngành, khối ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, khối ngành tăng nhiều nhất là kỹ thuật và công nghệ, tăng 70 mã nhóm ngành. Tiếp đó là nhóm ngành đào tạo giáo viên, tăng 64 ngành.
Hai khối ngành này chiếm 1/2 số ngành có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên so với năm 2020. Sau đó mới đến các khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, xã hội nhân văn.
Từ mùa tuyển sinh năm 2018, theo yêu cầu bắt buộc của Bộ GDĐT, đề án tuyển sinh của các nhà trường phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước. Đây là căn cứ quan trọng để người học quyết định việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường được đăng tải trên trang thông tin điện tử của một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trong những năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học đạt tỷ lệ cao, hầu hết trên 70-80%, thậm chí có trường đạt trên 90%.
Đơn cử như Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) – trường đang giữ kỷ lục của năm nay về điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, có điểm chuẩn 30,5 điểm. Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường năm 2019 của Trường ĐH Hồng Đức được công bố trên website, tỷ lệ sinh viên có việc làm trình độ ĐH đạt 85,75%; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trình độ ĐH đúng ngành đào tạo đạt 62,31%.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích, kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã chỉ ra, cả nước hiện thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp, nhưng cũng thừa hơn 10.300 giáo viên. Điều này cho thấy tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết. Một trong số nguyên nhân của tình trạng này là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh.
Trước thực trạng thiếu – thừa giáo viên hiện nay, GS.TS Dong cũng đặt hoài nghi về tính minh bạch của số liệu thống kê tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường của một số cơ sở giáo dục ĐH. Bởi nhiều năm trở lại đây, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm là một thực tế đã được báo chí nhắc tới nhiều.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của các cơ sở giáo dục ĐH chỉ là một thông số tham khảo, đôi khi không phản ánh đúng tình hình sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo hay không.
Theo PGS.TS Điền, rất khó để đánh giá số liệu báo cáo của các trường có bảo đảm hay không, nếu không được kiểm chứng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có hệ thống hành lang pháp lý để kiểm tra giám sát. Và hơn hết là xã hội, nếu cơ sở đào tạo nói một đằng làm một nẻo thì sẽ giảm uy tín của chính cơ sở đào tạo ấy và phải chịu trách nhiệm giải trình với xã hội.
Chọn ngành vẫn thiếu định hướng “đầu ra”
Tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ra trường có việc làm theo đúng ngành đào tạo đạt trên 90%, thậm chí nhiều sinh viên năm thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, không phải trường nào đào tạo về ngành CNTT cũng đạt kết quả như vậy. Thực tế, tỷ lệ sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm đáp ứng được kỹ năng và chuyên môn của doanh nghiệp không cao.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay, rất nhiều sinh viên tâm sự với ông về cảm giác chán nản vì sau 1 năm học ngành “hot”, sinh viên không thấy phù hợp và có ngành học khác hay hơn, hợp sở trường hơn.
Theo PGS. TS Điền, khái niệm ngành “hot” chỉ là trong tuyển sinh, “hot” nghĩa là số lượng nguyện vọng sinh viên đăng ký ngành đó tăng lên, đẩy mức điểm chuẩn lên cao hơn. Nhưng ngành “hot” này xã hội có thực sự cần hay không, ra trường mức lương, mức độ thăng tiến trong sự nghiệp ra sao mới là điều quan trọng. Thế nên, ngành “hot” ở hiện tại chưa chắc có việc làm “hot” trong tương lai do sự thay đổi nhu cầu nhân lực của nền kinh tế. Ngoài ra, khả năng có việc làm sau khi ra trường phụ thuộc rất lớn vào năng lực của sinh viên ra trường.
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức cho rằng, ngành “hot” cần phải được đánh giá dựa trên nhu cầu nhân lực của lĩnh vực đó trong nền kinh tế trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, học sinh chọn ngành, chọn nghề thường bị tác động bởi các yếu tố như: mong đợi và sở thích cá nhân của các em và các yếu tố ngoại cảnh như gia đình, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của các cơ sở đào tạo, truyền thông…
Vì vậy, theo TS Viên, ngoài yếu tố nội tại, có 5 nhóm đối tượng có vai trò quan trọng và tác động đến việc định hướng sự lựa chọn ngành nghề của học sinh. Đó là nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, truyền thông và cuối cùng là định hướng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của quốc gia.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Khi nguyện vọng của thí sinh tập trung quá nhiều vào một số lĩnh vực của các trường “top” trên, thì khả năng trúng tuyển của các em sẽ khó hơn. Thậm chí dẫn tới hệ quả có em không đỗ nguyện vọng nào.
NGUYỄN HOÀI
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
CÔNG TY TNHH MÁY MÓC THIẾT BỊ NGÔ GIANG LẠNG SƠN – TB TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
CÔNG TY CỔ PHẦN KCF – TB tuyển lao động kỹ thuật
Công ty TNHH Mai Lâm – Tuyển dụng LĐ kỹ thuật
công ty tnhh thành trung – thông báo tuyển lao động VN vào vị trí dự kiến sử dụng NLĐ nước ngoài
công ty cp đầu tư và phát triển giáo dục quốc tế Thuận Phát – TB tuyển Lao động
CÔNG TY TNHH HƯNG THỊNH LS – TB tuyển Lao động
Thông báo Bổ sung người lao động tham gia giáo dục định hướng khóa K35-SN16/2024
CÔNG TY TNHH TM VÀ DỊCH VỤ QUỐC TẾ BẦU TRỜI XANH – TUYỂN DỤNG