Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động

Bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị có hiệu lực từ đầu năm 2022, Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đang nhận được sự quan tâm của NLĐ, doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) và cả các chuyên gia về lĩnh vực XKLĐ. Một trong những điểm mới của luật sửa đổi lần này là hướng đến việc bảo vệ tối đa quyền lợi NLĐ.

Ngăn chặn tình trạng o ép người lao động

Điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này của luật là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc quy định minh bạch thông tin đối với các DN hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi, bổ sung quy định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với NLĐ giúp giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Luật cũng thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với DN dịch vụ, như nâng cao các điều kiện cấp phép hoạt động nhằm loại bỏ những DN hoạt động kém hiệu quả và khuyến khích những DN tâm huyết có cơ hội vươn lên, hướng tới đầu tư phát triển bền vững.

Nổi bật nhất là những lợi ích mà NLĐ được hưởng trong luật mới. Theo đó, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; được cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến NLĐ; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, NLĐ còn được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề. NLĐ được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế. NLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đáng lưu ý là luật mới cũng quy định NLĐ có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; được tư vấn, hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi kết thúc hợp đồng về nước; được hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động - Ảnh 1.

Phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng nước ngoài là cách các doanh nghiệp dịch vụ đang làm vì ảnh hưởng dịch Covid-19

Giải quyết việc làm bền vững

Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Chi nhánh TP HCM – Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Pitsco (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng với những quy định mới, chặt chẽ như trong luật mới sẽ giúp DN dịch vụ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động cảm thấy an tâm hơn khi đầu tư cho lĩnh vực mang nhiều ý nghĩa xã hội này. Theo ông Thanh, việc minh bạch biểu phí dịch vụ, chi phí môi giới chi tiết đến từng thị trường, từng ngành nghề là bước đi quan trọng, phù hợp với tình hình mới trong hoạt động XKLĐ. “Đây được xem là sự khởi đầu cho một thị trường xanh mà ở đó, NLĐ là trung tâm cần được bảo vệ tối đa, DN dịch vụ là những chủ thể được tạo điều kiện để cùng NLĐ gặt hái nhiều trái ngọt. Với những gì mà luật mới sẽ đi vào đời sống trong năm tới, chúng tôi yên tâm đầu tư vì không còn cạnh tranh với các DN làm ăn chụp giật. Trong thời gian tới, những DN uy tín có cơ hội lấy lại hình ảnh của mình, chuyên tâm tuyển dụng, đào tạo và phái cử trong một môi trường xanh và sạch” – ông Thanh nhận định.

Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Huỳnh Quang Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco, chia sẻ rằng việc luật mới lấy NLĐ làm trọng tâm đã được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm, tán thành và ủng hộ. Các thị trường có đông NLĐ Việt Nam đang làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) rất mong chờ luật mới có hiệu lực. “Qua trao đổi với nhiều đối tác sử dụng nhiều NLĐ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy họ rất hài lòng với những quy định chặt chẽ trong luật mới. Điều mà họ luôn mong muốn là luật được thực hiện một cách nghiêm túc để có được nhiều lao động chất lượng cao, có kỷ luật, kỷ cương và trở thành cầu nối thương mại trong tương lai” – ông Thông nói.

Ông Thông cũng cho biết dịch Covid-19 đang khiến thị trường XKLĐ gặp nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà nhu cầu giảm, ngược lại còn tăng ở một số thị trường. Khi dịch được khống chế trên diện rộng, hoạt động XKLĐ lại sôi nổi và bài toán giảm tỉ lệ thất nghiệp trong nước được giải nhanh chóng. Với những kết quả mà hoạt động XKLĐ mang lại từ nhiều năm nay, ông Thông tin tưởng đây là hướng giải quyết việc làm bền vững, cải thiện đời sống NLĐ một cách hiệu quả. 

Thực tập sinh như tôi rất phấn khởi với những quy định cụ thể trong dự luật lần này. Chí ít là NLĐ sẽ không bị ép phải trả thêm phí bất hợp lý từ các công ty môi giới hoặc cò tuyển dụng” – anh Nguyễn Sĩ Bảo (29 tuổi, thực tập sinh đang làm việc ở tỉnh Ibaraki – Nhật Bản) bày tỏ.

Theo nld.com.vn

One thought on “Bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

Trả lời admin Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.