Doanh nghiệp ‘khát’ lao động trầm trọng

Thiếu lao động đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là nhóm DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày ở các TP lớn.

Dệt may là một trong những ngành khát lao động trầm trọng.

Mặc cho những nỗ lực cải thiện thu nhập, bổ sung thưởng, phụ cấp của các DN, không ít người lao động (NLĐ) vẫn chẳng mặn mà quay lại hoặc ứng tuyển vào các nhà máy. Họ dường như có nhiều lựa chọn hơn.

Đỏ mắt tìm người

Vào website của CTCP Dệt may Gia Định (địa chỉ văn phòng tại quận 1, TPHCM), trong phần tuyển dụng lao động thường xuyên có thể đọc được ngay thông báo tuyển 300 công nhân may cùng với 50 lao động phổ thông. Tổng thu nhập của thợ may được công ty đảm bảo 6,5-15 triệu đồng/tháng, còn thu nhập của lao động phổ thông quanh mức 5,5-10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa bao gồm tiền thưởng năng suất, chất lượng. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ tiền xăng, gửi trẻ, nhà trọ và tiền chuyên cần cùng nhiều chế độ khác. Đặc biệt, nếu giới thiệu công nhân may có tay nghề, người giới thiệu sẽ nhận ngay 1 triệu đồng. Thông báo này được đăng từ tháng 3 nhưng cho đến đầu tháng 7, công ty vẫn đang tiếp tục tuyển người cho 2 nhà máy (tại quận Bình Thạnh và Tân Phú).

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết hiện nay đơn hàng của các DN dệt may đang tăng nhưng rất khó tuyển dụng lao động do NLĐ ở tỉnh muốn tìm việc gần nhà và lựa chọn các ngành nghề có thu nhập và thời gian linh hoạt hơn. Để giải quyết bài toán đơn hàng nhiều, lao động ít, bên cạnh việc tăng ca, DN nỗ lực cải thiện thu nhập cho những lao động đang gắn bó, gia tăng phúc lợi để đảm bảo đời sống ổn định cho họ, hạn chế tối đa việc NLĐ tiếp tục rời bỏ nhà máy.

Chia sẻ với ĐTTC, giám đốc một DN trong ngành may, cho biết dệt may, da giày là 2 nhóm ngành sử dụng nhiều lao động nhất, nhưng kể từ sau dịch Covid-19 đến nay 2 nhóm ngành luôn trong tình trạng “khát” lao động trầm trọng, nhất là với các DN có nhà máy đặt tại các TP lớn. Tại TPHCM, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, sau dịch nhu cầu sử dụng lao động của dệt may, da giày tăng rất cao, song khả năng đáp ứng của thị trường còn hạn chế. Dự báo giai đoạn 2022-2026, 2 ngành này tại TPHCM sẽ cần 390.000-437.000 lao động làm việc. Bình quân mỗi năm, 2 ngành phát sinh 20.000-22.000 vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, ghi nhận các năm qua lao động có nhu cầu tìm việc nhóm dệt may, da giày giảm nhiều, mỗi năm chỉ hơn 1.000 người.

Chính sách chưa tới

Ngày 1-7-2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động đã chính thức có hiệu lực. Theo đó mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng 180.000-260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Nghị định 38 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng; đồng thời nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng, và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ. Theo ông Phạm Xuân Hồng việc tăng lương tối thiểu vùng thực tế không tác động tới NLĐ vì lâu nay mức lương, thưởng, phụ cấp DN trả cho NLĐ đã cao hơn nhiều mức này.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, Chính phủ ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ với khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu NLĐ. 2 nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong DN và người quay lại thị trường lao động, làm tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. NLĐ thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tháng và tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 1-4 đến hết 15-8. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ mới đạt 1% so với mục tiêu đề ra.

Nếu bỏ qua câu chuyện chính sách, thử phân tích mức thu nhập của NLĐ tại các nhà máy và mức sống ở các TP lớn, sẽ nhận ra ngay vì sao họ không còn mặn mà. Để có mức thu nhập 9-12 triệu đồng/tháng NLĐ sẽ phải làm đủ 8 tiếng/ngày thậm chí phải tăng ca. Nhưng mức này trừ tiền thuê trọ, phí chi tiêu sinh hoạt trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng đang không ngừng leo thang ở các TP lớn, NLĐ gần như không còn tích lũy.

Lựa chọn của NLĐ

Theo báo cáo hồi đầu tháng 6 của sàn giao dịch về việc làm của lao động phổ thông có tên Việc làm tốt, các nhóm ngành nghề được NLĐ tìm kiếm nhiều nhất gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng (20%), làm việc trực tuyến và gia công tại nhà (19%), tài xế và giao nhận (17%)… Trong số những ngành nghề phổ thông phổ biến, công nhân có xu hướng tìm việc thay đổi rõ hơn hẳn. Gần 2/3 số lao động từng làm công nhân nay bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành kể trên. Cũng theo báo cáo này, xét theo giá trị tuyệt đối, tài xế giao nhận cũng có lương cao nhất trên thị trường lao động phổ thông, trung bình 10,1 triệu đồng/tháng trong giai đoạn hậu giãn cách.

Thực tế không chỉ lao động phổ thông muốn chọn các ngành nghề có thời gian linh hoạt và thu nhập ổn như làm tài xế, giao nhận công nghệ, nhiều lao động được đào tạo đại học cũng đang lựa chọn con đường này. Ban đầu có thể đó chỉ là những lựa chọn tạm thời trong khi chờ tìm việc, nhưng lâu dần việc linh hoạt về thời gian, không chịu áp lực từ ai, thu nhập ổn định, khiến nhiều người chọn đây là con đường đi lâu dài, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo.

Hướng đi nữa cũng đang nằm trong lựa chọn của không ít lao động phổ thông, là đi xuất khẩu lao động. Hiện một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc đang nới lỏng các quy định nhập cảnh cho lao động Việt Nam. Tính đến tháng 6, Việt Nam có khoảng 51.677 NLĐ làm việc nước ngoài. Trong đó, số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản khoảng 32.053, Đài Loan 15.633 và Hàn Quốc 1.209. Hiện nhiều quốc gia như Đức, Australia cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng từ Việt Nam.

Theo anh Q.Đ (quê Nam Định có thâm niên đi lao động tại Hàn Quốc) nếu NLĐ được đưa vào những DN tốt (làm ít vất vả hơn và thu nhập cao hơn) bên Hàn Quốc, Nhật Bản, sau vài năm lao động sẽ có khoản vốn tích lũy vài trăm triệu đồng. Tất nhiên việc số lượng không nhỏ NLĐ chọn con đường xuất khẩu lao động cũng không phải nguyên nhân chính khiến DN khó tuyển người hiện nay. Nhưng lâu dài nếu nhiều thị trường này có nhu cầu, thu nhập ngày càng tốt sẽ thêm nhiều lao động phổ thông lựa chọn hướng đi này, DN sẽ khó càng thêm khó.

Xu hướng việc làm phổ thông hiện nay là NLĐ tìm kiếm việc làm gần nhà do giảm chi phí thuê trọ, hoặc dịch chuyển sang các ngành nghề linh hoạt thời gian và thu nhập tốt hơn.

Theo Baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.