Nên có bảng lương riêng cho nhà giáo

Thảo luận về vấn đề lương nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, đa số các ý kiến đều cho rằng Nhà nước cần có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài.

Hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước phấn khởi khi dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội nhận được nhiều ý kiến đồng tình của đại biểu; trong đó các ý kiến đặc biệt tán thành với đề xuất: lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; tiến tới xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.

Thảo luận về vấn đề lương nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, đa số các ý kiến đều cho rằng Nhà nước cần có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào sự nghiệp trồng người; xếp lương giáo viên cao nhất là cần thiết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, quy định lương của nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo còn chung chung, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, vì thế cần có định hướng về nguyên tắc để Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương; mà tốt nhất có một thang, bảng lương riêng đối với nhà giáo. Cụ thể là một số phụ cấp ưu đãi của nghề giáo chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên khiến chính sách khó thực thi đồng bộ.

Cùng với đó, lương của nhà giáo cần được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay trường tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải có mức lương tương xứng, đủ sống mới phát huy được chuyên môn, tâm huyết, sở trường của người giáo viên.

Hơn thế, Luật Nhà giáo cũng cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp như: khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp; nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, bảo đảm tối thiểu 50% chi phí đi lại; cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của giáo viên mầm non và giáo viên trẻ…

Ở nước ta hiện nay, đội ngũ nhà giáo chiếm trên 70% số lượng viên chức và bảng lương đội ngũ viên chức đang được áp cho đội ngũ nhà giáo. Nếu xếp mức lương cao nhất trong bảng lương đó cho nhà giáo đòi hỏi phải đi kèm với chất lượng nhà giáo; đồng thời cũng nên đặt nhà giáo trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; bảo đảm chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền, đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục. Vì thế, đúng như đề xuất của một số đại biểu, nên tiến tới xây dựng bảng lương riêng cho đội ngũ nhà giáo.

Thực tế, việc quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo không nằm ngoài mục đích khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực và những người giỏi tham gia vào ngành sư phạm, giúp ngành giáo dục ngày càng bảo đảm số lượng và chất lượng. Phải nói rằng, nếu Luật Nhà giáo được thông qua, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành giáo dục nước nhà có một luật riêng, đủ tư cách pháp lý để điều chỉnh các hoạt động của nhà giáo, trong đó có vấn đề lương nhà giáo – câu chuyện được bàn luận không ngớt bấy lâu nay. Đây sẽ là động lực, điều kiện để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo Baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.