Có nhiều biểu hiện làm trái pháp luật lao động như thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, biến tướng hợp đồng lao động thành các loại hợp đồng khác… Trong bối cảnh đó, dự kiến năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp sẽ làm việc với doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm thu hồi số nợ lên tới hơn 14.600 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2022, cả nước đã có trên 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 88,4% dân số, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Cố tình trốn đóng
Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy đến hết tháng 9/2022, doanh nghiệp cả nước chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu. Chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.
Năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp sẽ làm việc với doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH. |
Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam, thống kê cho thấy năm 2022, toàn tỉnh có 2.453 đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, với tổng số 23.360 lao động; có 3.110 đơn vị chưa tham gia đầy đủ cho lao động với số lao động chưa tham gia là 73.646 người. Như vậy, tổng số lao động chưa tham gia BHXH là 97.006 người. Đây là thực trạng đáng báo động vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH ở bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động và lao động chưa cao.
Theo BHXH Quảng Nam, khảo sát 755 đơn vị với hơn 7.200 người lao động không tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho người lao động với các lý do người lao động chỉ hợp đồng ngắn hạn, công việc không thường xuyên, đơn vị không có nhu cầu tham gia, người lao động chỉ hợp đồng cộng tác viên…
Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam nêu khó khăn trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho người lao động là việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN ở bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động và người lao động chưa cao. Có nhiều biểu hiện làm trái pháp luật như thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động không tham gia; biến tướng hợp đồng lao động thành các loại hợp đồng khác; kê khai ngày giờ làm việc, mức thu nhập không đúng.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn khá lớn, tuy nhiên phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít lao động, sử dụng lao động phổ thông, lao động tại chỗ, công việc không thường xuyên… Do đó, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thiếu bền chặt dẫn đến phát sinh quan hệ quyền và nghĩa vụ của hai bên không rõ.
Thanh tra thu hồi nợ lên tới hơn 14.600 tỷ đồng
Giống như câu chuyện ở Quảng Nam, tại Hà Nội, doanh nghiệp nợ đóng BHXH cũng lên tới hơn 5.100 tỷ đồng (chiếm 8,8% số tiền cần thu). Trong đó hơn 3.500 đơn vị nợ kéo dài từ hai năm trở lên. Đại diện một số doanh nghiệp cho hay tình trạng nợ, chậm đóng do khó khăn trong sản xuất hoặc làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, BHXH Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản lẫn làm việc trực tiếp nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đóng.
Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp sẽ làm việc với doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm thu hồi số nợ lên tới hơn 14.600 tỷ đồng. Kế hoạch thanh tra chia làm nhiều đợt trong năm, thực hiện tại nhiều tỉnh thành, có thanh tra phụ trách các vùng và Sở LĐ-TB&XH địa phương cùng tham gia. Thời gian, danh sách doanh nghiệp thanh tra được công khai, đơn vị vi phạm quy định sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay việc xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH theo Điều 216, Bộ luật Hình sự gặp khó khăn. Bốn năm qua, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH, nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khi công an tới làm việc, một số doanh nghiệp nộp tiền nên không khởi tố nữa. Một số chưa đủ yếu tố cấu thành tội, doanh nghiệp nói “chưa kịp đóng chứ không trốn”.
Chủ trì Cuộc họp Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị làm rõ nguyên nhân của những chỉ tiêu chưa đạt, đơn cử như việc hình thành, phát triển “lưới an sinh xã hội”.
Phó Thủ tướng cho rằng phương thức thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới cần mở rộng, có sự đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, phát triển nghề công tác xã hội.
Theo:https://vnbusiness.vn/
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Tuyên truyền chính sách BHTN cho cán bộ, công nhân viên và NLD của Công ty Than Na Dương – VVMI
SÔI NỔI NGÀY HỘI VIỆC LÀM NĂM 2024 TẠI HUYỆN TRÀNG ĐỊNH
Công ty TNHH MTV XNK CÔNG NGHỆ ĐỨC VY – Tuyển lao động kỹ thuật
CÔNG TY TNHH THỰC GIAI VIỆT NAM – TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
Quy định về chế độ nghỉ phép theo Luật Lao động mới nhất, người lao động cần biết
Sôi động việc làm thời vụ cuối năm
Nên có bảng lương riêng cho nhà giáo
CÔNG TY TNHH SX VÀ THƯƠNG MẠI LINH HƯƠNG BG – THÔNG BÁO TUYỂN LAO ĐỘNG