Cách tính lương, phụ cấp mới từ 1/7

Lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tính dựa trên mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng, từ 1/7.

Ngày 26/6, Bộ Nội vụ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và hội.

Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở mới (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương.

Với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở, công thức tính là 1,8 triệu đồng nhân hệ số phụ cấp.

Với các khoản phụ cấp tính theo phần trăm mức lương hiện hưởng, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, thâm niên vượt khung, được tính bằng tổng các khoản gồm mức lương mới, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nhân tỷ lệ phần trăm phụ cấp được hưởng.

Các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể được giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Mức tiền hệ số chênh lệch bảo lưu bằng 1,8 triệu đồng nhân hệ số chênh lệch bảo lưu.

Người làm việc trong tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội không thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng và Công an, cách tính lương và phụ cấp, mức tiền hệ số chênh lệch bảo lưu sẽ theo công thức nêu trên.

Cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Với đại biểu HĐND các cấp, mức hoạt động phí tính bằng 1,8 triệu đồng nhân hệ số hoạt động phí.

Người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, từ 1/7, quỹ phụ cấp được ngân sách Nhà nước khoán với mỗi cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Công an, lương và phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng các bộ này.

Theo nghị định của Chính phủ ngày 14/5, chín nhóm được tăng lương. Nhóm đầu tiên là cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện. Nhóm hai là cán bộ, công chức cấp xã. Nhóm ba là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhóm bốn là người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhóm năm là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nhóm sáu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhóm bảy là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an nhân dân.

Nhóm tám là người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Nhóm chín là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Cách tính lương của các nhóm này là lấy lương cơ sở nhân với hệ số, cộng với các loại phụ cấp. Một người mới tốt nghiệp đại học, đi làm hưởng hệ số lương 2,34 thì sẽ hưởng mức lương là 2,34×1,8 triệu đồng bằng 4,212 triệu đồng.

Lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu. Tháng 11/2022, Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng (tăng 20,8%) từ 1/7/2023.

Cùng với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng tăng 12,5% và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Lương cơ sở điều chỉnh từ năm 2000 đến nay. Đồ họa: Tiến Thành

Lương cơ sở điều chỉnh từ năm 2000 đến nay. Đồ họa: Tiến Thành

Theo Vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.