Chuyên gia cho rằng, để khôi phục thị trường lao động, cần thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt cần sử dụng hiệu quả quỹ BHTN để hỗ trợ lao động và đào tạo nghề cho lao động.
Dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện đã làm ngưng trệ sản xuất, doanh nghiệp thiếu việc làm, một bộ phận lao động phải nghỉ việc, một bộ phận làm việc bán thời gian…
Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), số người thất nghiệp trong quý 2/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý 1 là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.
Cũng trong tháng 7, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 80.000 lao động.
Dịch bệnh khiến cả doanh nghiệp và người lao động lao đao, nhiều ý kiến cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cần có giải pháp sắp xếp lại lực lượng lao động phù hợp với khối lượng sản xuất và những thay đổi trong điều kiện bình thường mới, còn người lao động không còn cách nào khác là phải trau dồi và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để tham gia trở lại thị trường lao động, thích ứng trong giai đoạn bình thường mới.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về thị trường lao động trong thời gian tới và những giải pháp để phục hồi thị trường lao động.
PV: Thưa bà, trước hết bà đánh giá và có những nhận định như thế nào về thị trường lao động Việt Nam sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Trước hết, cũng phải thừa nhận một thực tế là, trong thời gian vừa qua có một sự di chuyển lao động lớn trong thị trường lao động, đặc biệt là nhóm lao động di chuyển từ TP.HCM và một số địa phương đang phát triển để quay trở về địa phương do dịch bệnh. Vì vậy, khi sản xuất phục hồi sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi giảm đột ngột nguồn cung lao động, nên có khả năng không đáp ứng được cầu về lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy dòng chảy lao động ấy không phải là quy luật tự nhiên và cũng không phải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Cho nên, đến một lúc nào đó khi bên cầu lao động có tín hiệu phục hồi trở lại thì việc người lao động trở lại cũng không khó.
Thứ hai là sự trở lại này sẽ không ồ ạt, bởi doanh nghiệp cũng sẽ từ từ mở cửa, nên nhu cầu lao động cũng sẽ cao dần. Cùng với đó, trong quá trình chịu tác động của dịch Covid-19, ngoài bị tác động không tốt, sẽ có những tác động tốt về một số hoạt động như là công việc hành chính hay một số bộ phận sẽ điều chỉnh lại. Qua đó, sắp xếp lại vị trí sản xuất, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về lao động nên quy mô, chất lượng và cơ cấu có thể thay đổi, việc đó về mặt lâu dài là tốt.
PV: Vậy những nhóm ngành nghề nào dễ xảy ra nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng sau dịch bệnh, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Nói ngành nghề thì không chính xác lắm, mà quan trọng là có những nhóm phục hồi nhanh. Ví dụ như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi họ bị dịch chỉ một vài tháng là họ đáp ứng được 95% nhu cầu lao động. Tôi cho rằng điều này không phụ thuộc vào ngành nghề, bởi vì các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu và hiện giờ thế giới đã mở cửa. Theo tôi những ngành nghề tham gia xuất khẩu nhiều sẽ dễ phục hồi và phát triển hơn. Thứ hai là những nhóm ngành nghề sử dụng lao động lao động kỹ thuật. Phải khẳng định sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi về mô hình tổ chức sản xuất cũng như là mô hình tổ chức lao động.
PV: Vậy bà có khuyến nghị gì về những giải pháp, nhất là giải pháp ưu tiên để chúng ta có thể phục hồi được thị trường lao động sau dịch bệnh?
Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Hiện nay chúng ta chưa có 1 bức tranh tổng thể về những nhóm lao động bị tác động do đại dịch Covid-19. Ngay cả những chính sách hỗ trợ cũng có nhóm hỗ trợ chính xác, nhưng cũng có những nhóm chưa chính xác.
Theo tôi, hiện nay trong quá trình mở cửa, các Sở LĐ-TB-XH cần vào cuộc, rất đơn giản, giống như khai báo y tế ấy, có thể làm phiếu khai báo về lao động. Khai báo lao động trên mạng và kêu gọi người lao động khai báo, nhất là khai báo về tình trạng việc làm trước khi bị dịch Covid-19 và đặc biệt là trước đợt dịch lần thứ 4 này, tình trạng việc làm hiện tại.
Dựa trên khai báo về lao động đó, khớp nối và song song đó là có khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Dựa vào đó giao cho hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ người lao động.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động, tăng cường vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm. Hiện nay chúng ta đã làm tốt việc chi trả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch. Tuy nhiên, về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững. Để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn. Tôi nhấn mạnh lại rằng việc huy động hiệu quả quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này để phục hồi thị trường lao động là rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Hà Nam/VOV1
theo vov.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
TRƯỜNG MẦM NON – TIỂU HỌC ANH VIỆT SCHOOL – tuyển dụng Giáo viên Tiếng Anh
CÔNG TY TNHH QUỐC TẾ PTY HEREWIN – TUYỂN LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH MTV XNK ĐỨC VY – TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
CÔNG TY TNHH SONGLEES LẠNG SƠN – TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
Chi bộ Trung tâm Dịch việc làm tổ chức lễ kết nạp Đảng viên mới
Lý do không nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
TRƯỜNG MẦM NON VICTORIA SCHOOL – MAILAND HOÀNG ĐỒNG TUYỂN GIÁO VIÊN TIẾNG ANH
THÔNG BÁO TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT