Những “đặc quyền” của lao động nữ

Lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động sẽ được hưởng nhiều “đặc quyền” như không phải làm thêm giờ, đi công tác xa, không bị xử lý kỷ luật lao động… khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Chú trọng chăm lo sức khỏe cho nữ đoàn viên công đoàn Phát huy tiềm năng sáng tạo của lao động nữ từ phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” Năm 2024 tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng thêm bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu đang mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người lao động đồng ý.

Những “đặc quyền” của lao động nữ
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, lao động nữ mang thai được chuyển việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm nếu làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Ngoài ra, theo Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi không bị xử lý kỷ luật lao động.

Theo Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thầm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

nguồn laodongthudo.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.