Phát triển Bảo hiểm thất nghiệp bền vững, bảo vệ người lao động

Từ khi chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời năm 2009 tới nay, số thu, chính sách chi BHTN luôn đảm bảo ổn định, phát triển bền vững, và luôn đảm bảo chi thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động tham gia. Dù vậy, vẫn cần điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Quỹ BHTN được nhà nước bảo hộ

Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có những đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới quản lý quỹ BHTN. Cơ quan này đánh giá, các quy định hiện hành về mức đóng, nguồn quỹ, sử dụng quỹ, quản lý quỹ BHTN… đã cơ bản đầy đủ. Quỹ BHTN được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ. Trong đó, BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ BHTN theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, quy định về mức đóng quỹ BHTN phù hợp, đảm bảo kết dư, quyền lợi người tham gia. Kết dư quỹ BHTN là cơ sở để Nhà nước triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua. Các nội dung chi từ quỹ BHTN tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện và chi trả các chế độ BHTN, nhất là trợ cấp thất nghiệp.

Từ khi thực hiện chính sách BHTN (năm 2009) đến nay, công tác thu, chi quỹ BHTN luôn đảm bảo đầy đủ, cân đối tài chính chi trả các chế độ BHTN cho người lao động. Giai đoạn 2015 – 2020, số thu BHTN tăng bình quân 15%/năm. Nếu năm 2009, số thu BHTN mới đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tới năm 2020 đã tăng lên hơn 18.000 tỷ đồng/năm. Về chi, trong cùng giai đoạn số chi chế độ cho người lao động cũng liên tục tăng. Nếu năm 2010 mới 457 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên hơn 16.000 tỷ đồng.

Dù vậy, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động. Hiện số chậm, trốn đóng BHTN chiếm hơn 3% tổng số tiền phải thu. Đồng thời, một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về BHTN, như có việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo để tiếp tục nhận chế độ, dẫn tới phải thu hồi. Ngoài ra, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN được tính theo lương cơ sở, nhưng định hướng giai đoạn tới sẽ bỏ lương cơ sở.

Bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định được vai trò chia sẻ rủi ro, ổn định cuộc sống người lao động khi nghỉ việc

Bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định được vai trò chia sẻ rủi ro, ổn định cuộc sống người lao động khi nghỉ việc

Thêm hội đồng quản lý quỹ BHTN?

Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa Luật Việc làm đánh giá, quy định về đầu tư quỹ BHTN chỉ mang tính nguyên tắc, chưa đề cập đến nguyên tắc “đầu tư bền vững”, chưa có quy định rõ đầu tư phải đi liền với quản lý rủi ro, dự báo dòng tiền… Mặt khác, quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn, do đó việc quy định các hình thức đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đảm bảo nguyên tắc “thu hồi khi cần thiết”…

Hiện, việc thực hiện BHTN được giao về các Trung tâm dịch vụ việc làm tại 63 tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, với khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhưng đội ngũ nhân sự làm công tác BHTN hầu như không thay đổi so với ban đầu. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều hạn chế, chưa được chi trả các chi phí liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm…

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng bổ sung các quy định về sử dụng quỹ BHTN đối với các chế độ mới bổ sung, thêm quy định cụ thể về chi phí quản lý BHTN; sửa quy định về cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng BHTN; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư quỹ BHTN đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả và thu hồi khi cần thiết, danh mục đầu tư có khả năng sinh lời, chặt chẽ. Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra 2 phương án về quy định liên quan Hội đồng quản lý quỹ, theo hướng giữ như hiện hành (chịu quản lý chung của Hội đồng quản lý BHXH); hoặc bổ sung quy định lập Hội đồng quản lý BHTN (độc lập với Hội đồng quản lý BHXH).

Theo: https://baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.