Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông

Điều mà chúng tôi cảm thấy lo ngại là nền giáo dục đã và đang chịu tác động sâu sắc của “bệnh thành tích” trong nhiều năm qua tạo ra những thế hệ học sinh thích “háo danh” và ảo tưởng về năng lực của mình vì điểm tổng kết học kỳ, năm học, điểm thi học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp THPT. Rất nhiều học sinh bây giờ xem giấy khen của trường, của sở giáo dục và đào tạo làm điều kiện để “mặc cả” với cha mẹ phải đáp ứng những món quà, thỏa mãn những sở thích khi kết thúc năm học.

“Hai không” có thực sự được như kỳ vọng?

Thực tế cho thấy tình trạng “bội thực” giấy khen không còn lạ trên Facebook của nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh vào thời điểm cuối kỳ, cuối năm. Và ngược lại, vì cái tiếng thơm cho gia đình, dòng họ, cơ quan, nhiều bậc phụ huynh có điều kiện cũng đã treo thưởng rất cao nếu đạt điểm cao. Vậy là học sinh phải tìm mọi phương cách để có nhiều điểm cao vì phụ huynh và nhiều bậc phụ huynh cùng thỏa hiệp với con cái để phấn đấu vì “bệnh thành tích”.

“Căn bệnh thành tích” trong giáo dục khiến cho người ta chỉ quan tâm nhiều đến số lượng, trọng lượng mà không bận tâm đến chất lượng thực. “Bệnh thành tích” trong giáo dục khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa, dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân. Ngược dòng thời gian để chúng ta có nhận thức đầy đủ hơn về cái gọi là “căn bệnh thành tích” – một căn bệnh trầm kha không phải chỉ có ở Ngành Giáo dục và Đào tạo nhưng trong Ngành này thì căn bệnh đó lại lan tỏa độ sâu rộng nhất ở nhiều bậc học và cấp học từ thầy đến trò.

Năm 2006, sau khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa công bố các video bằng chứng tố cáo tiêu cực trong thi cử tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây xưa, nay là Hà Nội) gây chấn động dự luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không). Sau đó vào ngày 31-7-2006, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo 64 sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ký tên chung trong bản cam kết với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Không chấp nhận, không tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận chạy theo bệnh thành tích trong đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo”.

Năm 2007, sau 1 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên toàn quốc chỉ còn 66,7%, nghĩa làm giảm gần 25,3% so với tỷ lệ bình quân 92% năm 2006. Năm 2008 tỷ lệ này tăng 9% lên khoảng 76%, năm 2009 tỉ lệ này đạt 83,8% và đến năm 2010 vọt lên 92,57%. Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, tỷ lệ tốt nghiệp gia tăng và nhiều địa phương có tỷ lệ gần 100%. Nam Định là 99,67% với 33 trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%; Bắc Ninh là 99,2% với 10 trường đỗ 100%; Hải Phòng là 98,86%; TP. Hồ Chí Minh là 94,59 %…

Đến năm 2018, gian lận thi cử gây rúng động dư luận ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La cùng với những tiêu cực khác thì đó cũng là minh chứng sinh động cho việc chính “bệnh thành tích” đã “giết chết” một nền giáo dục. Điều đau lòng là ngay sau khi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mới kết thúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định trước truyền thông: “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công”. Và ngay sau đó, nhiều quan chức địa phương đã bị bắt, khởi tố, truy tố trách nhiệm hình sự vì gian lận trong kỳ thi này. Chuyện đỗ nhầm là có thật. Chuyện điểm thực là trượt, điểm công bố là đỗ cao, thậm chí là thủ khoa, á khoa là có thật trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

 

Đi tìm gốc rễ của “bệnh thành tích”

 

Đi tìm gốc rễ của “bệnh thành tích”, nhóm tác giả xin chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất là do áp lực từ “trường chuẩn quốc gia”

Muốn đạt danh hiệu “trường chuẩn quốc gia” cần phải đạt rất nhiều tiêu chí cụ thể được quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu xét một cách toàn diện từ diện tích, khuôn viên, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, kết quả, thành tích… mà đáp ứng điều kiện “thật” mà được công nhận là “trường chuẩn quốc gia” là đương nhiên. Đáng chú ý ở chỗ, đa số các trường được công nhận đạt “chuẩn quốc gia” (nhất là các trường trong nội thành, khu vực đô thị) thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt nên sẽ có khá nhiều học sinh xin vào học. Ðiều đó dẫn đến áp lực rất lớn với các trường này và đã xảy ra tình trạng rất nhiều trường ở cả thành thị lẫn nông thôn bằng mọi giá phấn đấu đạt “trường chuẩn” và hết chuẩn giai đoạn 1 đến chuẩn giai đoạn 2. Hệ quả của nó là tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”, đặc biệt là các lớp đầu cấp trước thềm năm học mới như lớp 1 ở bậc tiểu học, lớp 6 ở bậc THCS và lớp 10 bậc THPT. Hệ quả là nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng cuối cùng lại không chuẩn vì có lớp số học sinh/lớp học quá đông theo quy định “chuẩn”, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học suốt cả 3 đến 4 năm học phổ thông.

Đặc biệt, quy định khống chế tỷ lệ lưu ban, rồi áp lực “giữ chuẩn” để không “rớt chuẩn” khiến nhà trường và giáo viên buộc phải tìm mọi cách để cố “giữ chuẩn”, từ đó tạo áp lực trong cả giảng dạy của thầy cô và trong học tập của học sinh, áp lực phấn đấu. Vì cái gọi là “chuẩn” nên xảy ra tình trạng một số trường học ở nhiều nơi “học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí không được phép lưu ban là điều không khó hiểu. Lãnh đạo nhà trường biết, giáo viên biết và phụ huynh, học sinh cũng đều biết những vẫn chấp nhận. Thực lực học thì yếu, nhưng tổng kết điểm trung bình môn cuối năm vẫn khá. Vẫn lên lớp đều đặn và bình thường, thậm chí vẫn có giấy khen đạt “Học sinh tiên tiến” (trong Thông tư 22 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và có hiệu lực từ ngày 5-9-2021, sẽ không còn hình thức khen thưởng danh hiệu “Học sinh tiên tiến” đối với học sinh lớp 6).

Áp lực “trường chuẩn” còn đến từ nhiều hoạt động khác ngoài hoạt động giáo dục cụ thể, các “trường chuẩn quốc gia” buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, nhất là các phong trào mũi nhọn như thi chọn giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi, bí thư đoàn trường giỏi cho đối tượng là giáo viên; thi chọn học sinh giỏi toán qua mạng, tiếng Anh trên mạng, thi “vở sạch, chữ đẹp” các cấp, thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật… với đối tượng cho học sinh. Sức ép thành tích, sức ép của cái “mác” “trường chuẩn quốc gia” không ai khác phải gánh chịu mà chính là giáo viên và học sinh cùng người nhà của họ.

Thứ hai là do tư tưởng háo danh

Thông thường, từ háo danh nên sinh ra “bệnh thành tích” và từ thành tích do gian dối mới có được càng thúc đẩy sự háo danh nảy nở, phát triển. “Bệnh thành tích” trong giáo dục là mặt trái của thành tích trong giáo dục. Đó là thành tích giáo dục giả, thành tích ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể là thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua có được mà để đạt được bằng mọi giá thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.

Bệnh thành tích trong giáo dục, bệnh này còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi mà quên đi, hoặc xem nhẹ giáo dục toàn diện, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao, mang vinh dự và tạo thương hiệu cho trường, còn những môn khác thì học cho xong, không cần đầu tư thời gian công sức học tập.

Thứ ba là do thói đố kỵ giữa các địa phương, các cấp học, trường học trong mỗi địa phương

“Bệnh thành tích” trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người, đó là thói “ghen ăn tức ở”, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Ngày nay chỉ cần có được một thành tích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy khi có thể thực lực của mình chưa xứng như vậy. Song, thay vì tập trung từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, họ lại “đốt cháy giai đoạn”, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ, đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta hoàn thành hết. Hoàn thành để báo cáo, báo cáo để được khen thưởng. Nhận rõ hậu quả của “bệnh thành tích” trong giáo dục, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Đội ngũ lãnh đạo các cấp cần kiểm tra, giám sát tích cực hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời có hệ thống chế tài quản lý khoa học, bảo đảm tính răn đe.

Thứ tư là do áp lực thi đua

Trong một xã hội, khen thưởng và xử phạt luôn song song tồn tại bởi nó sẽ giúp cho những cá nhân, tập thể không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả tốt. Thành tích thực là những kết quả tốt mà từng cá nhân hay tập thể đã đạt được sau những nỗ lực phấn đấu hết mình. Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thành tích như là thước đo cho trình độ của con người trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên, vì nó là thước đo nên đã gây ra một mặt trái vô cùng nguy hiểm. Đó là vì thành tích mà các trường thi đua để đạt bằng mọi giá.

Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp, đặc biệt là cung cách quản lý, tạo ra nhiều sức ép, cộng với “bệnh thành tích” trong giáo dục như một “trường đua” đã trở thành nỗi sợ và nỗi ám ảnh của đại đa số giáo viên phổ thông hiện nay. Cả hệ thống giáo dục tựa như một “trường đua” mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Áp lực thi đua hình thức làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi. Hệ quả của nó là dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị bằng mọi thủ đoạn, phương cách như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường, chạy bằng…

Hậu quả của “bệnh thành tích” trong giáo dục đã làm đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn nguyên ấy sinh ra bệnh giả dối, gian dối trong giáo dục nhằm mục đích vụ lợi. Tác hại của nó rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà.

                                                                                                                                                                                                                                                                           Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.