Tuần làm việc 4 ngày đang trở thành xu hướng, nhất là sau khi dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp (DN) trên thế giới. Người lao động (NLĐ) chỉ làm việc 32 giờ/tuần mà vẫn nhận được số lương tương đương thời gian làm việc 5 ngày (40 giờ) như cũ. Ý tưởng này xuất phát từ mục đích thu hút giới lao động trẻ (gen Z, sinh từ năm 1997 – 2012).

Nhiều lợi ích

Tập đoàn New World Development – nhà tuyển dụng việc làm tại Hồng Kông (Trung Quốc) – gần đây đã áp dụng 4 ngày làm việc mỗi tuần để “NLĐ duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.

Ở Hàn Quốc, Tập đoàn công nghệ Kakao có hơn 10.000 nhân viên cũng đang lên kế hoạch thí điểm thời gian làm việc linh hoạt và ngắn hơn hiện tại, trong bối cảnh nước này đang đề xuất nâng thời gian làm việc lên đến 69 giờ/tuần. Trong khi đó, Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) đã đưa ra chính sách làm việc 4 ngày/tuần, áp dụng cho khoảng 15.000 nhân viên và công bố kết quả rất tích cực.

Tuần làm việc 4 ngày có khả thi? - Ảnh 1.

Thêm ngày nghỉ, người lao động có thời gian để cùng con cái tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường

Từ tháng 6 đến 12-2022, 61 DN tại Anh đã tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Các DN giữ nguyên lương cho NLĐ thuộc nhiều ngành nghề như: marketing (tiếp thị), tài chính, bán lẻ trực tuyến, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cả cửa hàng đồ ăn. Kết quả cho thấy 56/61 DN cho biết sẽ tiếp tục triển khai mô hình tuần làm việc 4 ngày, 18 DN khẳng định đây sẽ trở thành chính sách lâu dài của họ, chỉ có 3 công ty tạm dừng mô hình này.

Thử nghiệm cũng cho thấy sức khỏe tinh thần, thể chất của NLĐ tăng lên đáng kể. Họ có nhiều thời gian hơn dành cho luyện tập, sinh hoạt chung và hài lòng hơn với công việc khi làm việc 32 giờ/tuần. Tỉ lệ NLĐ bị căng thẳng, kiệt sức, mệt mỏi, gặp vấn đề về giấc ngủ cũng đều giảm.

Theo các nhà nghiên cứu, những lợi ích của mô hình tuần làm việc 4 ngày là khá nhiều. Xu hướng này ngày càng khả thi với một số lĩnh vực như: công nghệ, văn phòng hay tài chính. Kết quả thu được cho thấy mô hình này đã sẵn sàng cho bước tiếp theo, từ thử nghiệm chuyển sang áp dụng thực tiễn ở nhiều công ty.

Việt Nam: Có thể áp dụng nhưng khó