Tương lai nào cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp?

 Cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm bắt kịp xu hướng của thị trường lao động trong tương lai trở thành ưu tiên quan trọng hàng đầu đối với Chính phủ, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp.

Ở New Zealand, người học nghề được chủ động chọn nơi học, hình thức học và tự do chuyển đổi giữa các phương thức đào tạo hay các đơn vị đào tạo.
Ở New Zealand, người học nghề được chủ động chọn nơi học, hình thức học và tự do chuyển đổi giữa các phương thức đào tạo hay các đơn vị đào tạo.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp để bắt nhịp xu thế

Đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra một gián đoạn kép và rất nhiều thách thức đối với lĩnh vực đào tạo và thị trường lao động trên khắp thế giới, trong đó có khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong bối cảnh mới này, yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia là nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp và cải cách để bắt kịp xu hướng thay đổi của nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Ông Chris Hipkins, Bộ trưởng Bộ giáo dục New Zealand chia sẻ, New Zealand đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lao động được đào tạo đầy đủ về kỹ năng ở rất nhiều ngành công nghiệp. Đây là lý do chính để New Zealand phải bắt tay vào việc cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ông cũng cho rằng, công cuộc cải cách tại các nước nói chung không riêng gì đất nước này đều nên được bắt đầu từ việc thay đổi hệ thống và các chính sách hiện hữu. Mục đích là hướng tới một hệ thống đào tạo nghề thống nhất và hỗ trợ tối đa cho người học. Bên cạnh đó, việc cải cách nên hướng đến bảo đảm tiêu chuẩn nguồn nhân lực đầu ra của các cơ sở đào tạo tiệm cận với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo đó, New Zealand đã thành lập 6 Hội đồng Phát triển Lực lượng Lao động (Workforce Development Council) và 15 Nhóm Lãnh đạo Vùng về Kỹ năng nghề (Regional Skills Leadership Groups). Đồng thời thành lập các Trung tâm Phát triển Hệ sinh thái Giáo dục Nghề nghiệp (Centres of Vocational Excellence), thống nhất các quỹ tài trợ và kinh phí dành cho giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, họ còn đơn giản tối đa việc cấp bằng cho người học. Song song, Viện Công nghệ và Kỹ năng New Zealand (New Zealand Institute of Skills and Technology – Te Pūkenga) cũng được thành lập để cung cấp các chương trình đào tạo dạy nghề thống nhất trên cả nước.

Ông Chris Hipkins nhấn mạnh: “Chương trình cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nghề tại New Zealand (RoVE) bảo đảm tiếng nói của người học, các hiệp hội nghề nghiệp, người lao động và dân chúng”.

Theo đó, một số cải cách tích cực từ góc nhìn này tại New Zealand được kể đến như: Người học nghề được chủ động chọn nơi học và hình thức học phù hợp với các đặc điểm cá nhân. Đó là học tập trực tuyến, học tại trường, học trực tiếp tại doanh nghiệp… với chất lượng và trải nghiệm học tập như nhau. Đặc biệt là không có sự khác biệt về chi phí.

Bên cạnh đó, người học còn được tự do chuyển đổi giữa các phương thức đào tạo và chuyển đổi giữa các trường, đơn vị đào tạo – điều mà trước đây gần như không thể. Các chương trình học được xây dựng tập trung vào các kỹ năng có thể chuyển đổi được để giúp người học thích nghi tốt với tương lai thay đổi liên tục của thị trường.

Về bằng cấp, một số chuyên gia chỉ ra rằng, đào tạo nghề nghiệp tương lai có thể không còn chú trọng quá nhiều vào bằng cấp, thay vào đó, tập trung vào tay nghề của người lao động. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo tại New Zealand cũng đã được thay đổi hướng đến giải pháp đào tạo kết hợp thực tiễn, đào tạo kết hợp với nhiều bên liên quan. Đồng thời, triển khai các khóa học ngắn và cấp các chứng chỉ nhỏ bên cạnh chương trình học chính. Mục đích để tạo điều kiện cho người học có thể chủ động tham gia vào thị trường lao động ngay khi đáp ứng được yêu cầu về tay nghề.

Mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động

Ông Rajesh Khambayat, Giám đốc Học viện Giáo dục Nghề nghiệp Trung ương PSS (Ấn Độ) nhấn mạnh: “Thúc đẩy các kỹ năng xanh vì sự bền vững của môi trường thông qua giáo dục nghề nghiệp sẽ là một yêu cầu quan trọng không chỉ ở New Zealand hay Ấn Độ, mà là trên toàn cầu. Giáo dục nghề nghiệp cần được cải cách trong mối liên hệ với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu”, ông Rajesh Khambayat khẳng định.

Tại Việt Nam, Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Cùng với đó là nhu cầu của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Một số chỉ tiêu chủ yếu là thu hút 40 – 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao, khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm. Trong đó 5 – 10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.

Đến năm 2030, mục tiêu là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Đồng thời, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Ngọc Trang – https://giaoducthoidai.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.