Nhiều tín hiệu cho thấy mục tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng sẽ sớm về đích và có thể vượt chỉ tiêu đề ra
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy trong 7 tháng năm 2022, cả nước đã đưa được 81.429 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% kế hoạch năm. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Romania, Liên bang Nga, Ba Lan…
Nhiều thuận lợi
Năm 2022, Bộ LĐ-TB-XH đề ra mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Theo nhận định của Dolab, với số lượng NLĐ mà các doanh nghiệp (DN) dịch vụ đã nộp danh sách đăng ký với cục thì mục tiêu kế hoạch năm 2022 sẽ hoàn thành sớm và có thể vượt chỉ tiêu đề ra.
Đây là thành quả của cả quá trình vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động của các DN dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc kịp thời nắm bắt các thông tin kiểm soát dịch bệnh, chính sách, quy định mới của các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đã giúp cho hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động (XKLĐ) gần như phục hồi rất nhanh.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, cho rằng hiện nhiều nước chủ động đàm phán, làm việc với Bộ LĐ-TB-XH để mở rộng phạm vi hợp tác lao động, việc làm. Điển hình như ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan).
Chương trình mở ra nhiều cơ hội hơn cho NLĐ Việt Nam có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc với chi phí được đài thọ gần như toàn bộ. Kế đến là Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc.
Thực tập sinh về nước được khuyến khích học các lớp nâng cao để tiếp tục làm việc cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam
Về chính sách mới của các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, có thể kể đến việc Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển dụng thuộc Chương trình EPS lên 59.000 lao động. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng chủ động giảm một số yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nhằm thu hút đủ số lượng đề ra.
Về thu nhập và bảo hiểm, đa số các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… đều có chính sách tăng lương, tăng phúc lợi và bảo hiểm cho NLĐ nước ngoài đến làm việc. Những điểm nhấn quan trọng này góp phần gia tăng số lượng NLĐ đăng ký ra nước ngoài làm việc trong năm 2022. “Đây cũng là năm đầu tiên Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) được áp dụng sau khi Quốc hội thông qua vào tháng 11-2020. Cơ sở pháp lý này đã giúp các nước tiếp nhận nhiều lao động yên tâm hơn và trách nhiệm hơn khi tuyển dụng lao động Việt Nam” – ông Liêm nói.
Nâng chất lượng nguồn lao động
Theo các chuyên gia, ngoài việc giải quyết được công ăn việc làm cho NLĐ, lượng kiều hối do người đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước đã góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, giúp được rất nhiều gia đình thoát nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần thay đổi mạnh mẽ cả nhận thức và tâm thế của NLĐ.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), nói tâm lý ra nước ngoài để làm kiếm tiền sẽ hạn chế việc tiếp thu kiến thức, nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng và kinh nghiệm. Do vậy, phải xóa bỏ tâm lý này để biến những năm làm việc ở nước ngoài thành khóa học cho sự nghiệp về sau. “Đi làm tất nhiên là để kiếm tiền nhưng tiền rồi cũng hết, chỉ có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và cả trình độ ngoại ngữ là theo NLĐ suốt đời. Những cái đó có khả năng tạo ra tài chính lâu dài và bền vững” – ông Lanh nói.
Hiện 90% người đi làm việc ngoài nước chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỉ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Theo các chuyên gia XKLĐ, cần từng bước đảo ngược tỉ lệ này để nâng chất NLĐ Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Đi XKLĐ với tâm thế một lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn, có trình độ, có kỹ năng sẽ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn và thăng tiến nhanh hơn.
Để làm được điều này, nhà nước cần có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao. Nhóm này sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, từ đó góp phần thúc đẩy khoa học – công nghệ cũng như trình độ sản xuất của Việt Nam phát triển nhanh hơn.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), nói việc tìm kiếm các thị trường mới, chất lượng cao cần được cả các cơ quan quản lý nhà nước và DN dịch vụ đẩy mạnh trong thời gian tới. Từ những yêu cầu cao của các thị trường tiềm năng sẽ giúp hoạt động XKLĐ bước sang giai đoạn nâng cao giá trị lao động cho NLĐ Việt Nam.
“Công tác tuyển chọn và đào tạo lao động để đưa ra nước ngoài làm việc đang được các DN dịch vụ đẩy mạnh để nâng chất lao động, cạnh tranh được với lao động nhiều nước. Thời gian tới không quá đặt nặng số lượng phái cử để bảo đảm NLĐ được hưởng thu nhập tốt nhất và mọi quyền lợi cho họ” – ông Trung nhấn mạnh.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Công ty TNHH BAO BÌ GREEN LIFE
Viện thẩm mỹ EMMA XINH
Công ty cổ phần tập đoàn Halo Eco – tuyển dụng nhân viên nhà hàng, nhân viên pha chế
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – TB TUYỂN GIÁO VIÊN TIẾNG ANH
THÔNG BÁO TUYỂN CHỌN THỰC TẬP SINH NỮ ĐI THỰC TẬP KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN THEO CHƯƠNG TRÌNH IM JAPAN – ĐỢT 02/2024
Phiên giao dịch việc làm theo cụm xã tại huyện Văn Lãng
KÝ KẾT BIÊN BẢN THỎA THUẬN Về việc triển khai hợp tác quản lý lao động khu vực biên giới giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc
Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với đặc thù địa phương