Việc làm phi chính thức vốn được coi là bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận thay vì tham gia các khóa đào tạo nghề để có thu nhập ổn định, tốt hơn. Vì sao lại như vậy?
Chấp nhận thất nghiệp không học nghề
Thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Hòa (40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) về bán hàng ăn nhanh online. Dù nấu ăn ngon, nguồn nguyên liệu lựa chọn kỹ nhưng gian hàng online của chị Hòa rất ít người biết đến và đặt hàng. “Đa phần người đặt hàng đều là người quen hoặc được giới thiệu. Nếu chỉ bán hàng dựa vào nguồn khách hàng này sẽ không đủ sống. Vì thế khi biết mình thuộc đối tượng được đào tạo nghề miễn phí tôi đã đăng ký khóa học Kỹ thuật nấu ăn. Tại khóa học này tôi không chỉ được học thêm về cách chế biến đồ ăn chuyên nghiệp mà còn được đào tạo cách tiếp thị, bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ những kỹ năng học được từ khóa đào tạo này, tôi đã xây dựng kênh bán hàng online qua Grabfood, Shopee, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tôi nghĩ các lớp đào tạo nghề như vậy có ý nghĩa lớn đối với lao động phi chính thức trong hành trình trở lại thị trường lao động” – chị Hòa chia sẻ.
Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhiều lao động có thu nhập bấp bênh có cơ hội tham gia lại thị trường lao động, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động phi chính thức dành thời gian tham gia học nghề để có thể tham gia thị trường lao động chính thức lại không nhiều.
Tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội” mới đây, TS Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động.
Ông Hóa cho biết, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng “cha truyền con nối”, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người lao động tham gia học nghề.
Số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 690.256 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có 27.457 người đăng ký học nghề (chiếm 3,9%). Nguyên do là nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí.
Tìm giải pháp
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%. Hạn chế về chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc, cho dù công việc đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu.
Theo báo cáo “Nền kinh tế phi chính thức và việc làm bền vững: Hướng dẫn nguồn chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phi chính thức”, của ILO thì có sự trùng lặp thường xuyên giữa phi chính thức và nghèo đói. Thu nhập thấp và tiếp cận hạn chế với các tổ chức công khiến người nghèo không đầu tư vào kỹ năng có thể thúc đẩy khả năng có việc làm, năng suất của họ và đảm bảo bảo vệ họ khỏi những cú sốc, rủi ro thu nhập.
Hơn 33 triệu lao động phi chính thức là bệ đỡ của thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, song để phát triển bền vững cần có giải pháp phù hợp. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cần có giải pháp giảm thiểu được việc làm phi chính thức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức.
Giải pháp nào để thu hút lao động phi chính thức? Trả lời câu hỏi này, ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết: Hiện một số quy định về mức hỗ trợ ăn, đi lại, chi phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hiện nay vẫn còn thấp. Vì vậy, năm 2024, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình công tác, đang xin ý kiến các cơ quan liên quan với quan điểm nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ; đồng thời huy động các tổ chức tham gia đào tạo nghề.
Giải pháp lâu dài để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định khung về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam…
Trong dự thảo, Bộ LĐTBXH khẳng định, lao động phi chính thức hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) Lê Minh Thảo cho biết, đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhằm có thêm chính sách hỗ trợ ưu tiên đến các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, lao động nông thôn…
Theo daidoanket.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thông báo Bổ sung người lao động tham gia giáo dục định hướng khóa K35-SN16/2024
CÔNG TY TNHH TM VÀ DỊCH VỤ QUỐC TẾ BẦU TRỜI XANH – TUYỂN DỤNG
Tuyên truyền chính sách BHTN cho cán bộ, công nhân viên và NLD của Công ty Than Na Dương – VVMI
SÔI NỔI NGÀY HỘI VIỆC LÀM NĂM 2024 TẠI HUYỆN TRÀNG ĐỊNH
Công ty TNHH MTV XNK CÔNG NGHỆ ĐỨC VY – Tuyển lao động kỹ thuật
CÔNG TY TNHH THỰC GIAI VIỆT NAM – TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
Quy định về chế độ nghỉ phép theo Luật Lao động mới nhất, người lao động cần biết
Sôi động việc làm thời vụ cuối năm