Chính phủ Hàn Quốc đã công bố chương trình thí điểm cho phép 100 người giúp việc nước ngoài bắt đầu làm việc tại thủ đô Seoul vào tháng 12 năm nay. Kế hoạch này sẽ mở rộng số lượng các ngành công nghiệp và công ty đủ điều kiện sử dụng lao động nước ngoài, trong bối cảnh Hàn Quốc phải đối mặt với dân số già, thiếu lao động.
Giải pháp mới
Chương trình thí điểm sẽ ưu tiên đưa người giúp việc nước ngoài đến các hộ gia đình đơn thân, gia đình có nhiều con… vì đây là những nhóm có nhu cầu giúp đỡ việc nhà cao nhất. Trong một thông cáo báo chí, Văn phòng Thủ tướng cho biết, chương trình này nhằm mục đích “giảm bớt gánh nặng công việc nhà và chăm sóc trẻ em”.
Người giúp việc nước ngoài phải ở tuổi từ 24 trở lên và phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch bao gồm xem xét mọi hồ sơ tội phạm hoặc liên quan đến ma túy. Cơ quan chức năng cũng sẽ đánh giá kinh nghiệm làm việc, kiến thức và kỹ năng thông thạo ngôn ngữ của người nhập cư. Họ sẽ được đưa đến các hộ gia đình Hàn Quốc thông qua “các cơ quan đáng tin cậy”, cơ quan này sẽ theo dõi sự thành công của chương trình trong suốt 6 tháng thực hiện.
Gánh nặng chăm sóc con cái và việc nhà cũng như chi phí sinh hoạt ngày càng tăng được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm ở Hàn Quốc.
Một báo cáo của chính phủ nước này hồi đầu tuần cho thấy, hơn một nửa trong số những người dân ở độ tuổi từ 19 đến 34 cho biết, họ thấy không cần thiết phải có con, ngay cả sau khi kết hôn. Chỉ có 36,4% số người được hỏi cho biết, họ có cái nhìn tích cực về hôn nhân với những yếu tố chung như khó khăn kinh tế.
Nhưng xu hướng này chỉ làm tăng thêm cuộc khủng hoảng dân số của đất nước khi nhóm người trong độ tuổi lao động thu hẹp lại – làm tăng thêm những vấn đề đau đầu về kinh tế hiện có.
Một số chính trị gia tại Hàn Quốc trước đây đã kêu gọi chính phủ nhập khẩu lao động nước ngoài để giúp giảm bớt gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ và cha mẹ. Trong một bài đăng mới trên facebook, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết: Những người giúp việc đến từ các nước có thể đem lại sức sống mới cho xã hội của chúng ta. Đặc biệt, chương trình này có thể mang lại lợi ích ngay lập tức đối với những người thất nghiệp.
Ông Oh Se-hoon lấy ví dụ về các trung tâm lớn khác của châu Á như Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, nơi người lao động nhập cư và người giúp việc là một phần thiết yếu của cơ cấu kinh tế và xã hội. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho biết, mặc dù có lực lượng lao động làm công việc quản gia và nhân viên chăm sóc trẻ em là người địa phương, nhưng số lượng đang giảm dần và ngày càng già đi, với phần lớn trên 50 tuổi.
Cần cân bằng chi phí
Giải pháp mới được đưa ra, nhưng chi phí của một chương trình như vậy và số tiền phải trả cho người lao động là vấn đề đáng chú ý. Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, những người giúp việc sống bên ngoài nhà của chủ được trả hơn 15.000 won (11,40 USD/giờ), trong khi những người sống trong nhà của chủ được trả tới 4,5 triệu won/tháng (khoảng 3.415 USD). Chi phí này nhiều hơn mức mà nhiều cặp vợ chồng trẻ hoặc các chuyên gia có thể chi trả.
“Thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình 4 người ở Hàn Quốc khoảng 5,04 triệu won (khoảng 3.827 USD). Ngay cả đối với tôi, 2 triệu won (1.518 USD) cũng là một số tiền cực kỳ nặng nề” – một thành viên của nhóm cố vấn chính phủ bao gồm các bậc cha mẹ cho biết.
Chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng có nghĩa là người sử dụng lao động có thể sẽ trả “mức lương thấp hơn mức giá thị trường hiện tại cho công việc dọn phòng” thông qua sự hợp tác với chính quyền thành phố Seoul và các cơ quan liên quan.
Chính phủ có kế hoạch sử dụng một hệ thống phù hợp với người lao động vào những thời điểm trong ngày có nhu cầu cao nhất, bằng cách cho phép làm việc bán thời gian như một lựa chọn.
Sự khác biệt về lương tương tự cũng được thấy ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi người giúp việc nước ngoài được trả mức lương tối thiểu thấp hơn so với phần còn lại của lực lượng lao động. Họ kiếm được tối thiểu 4.730 đô la Hong Kong (khoảng 600 USD) mỗi tháng.
Chính quyền Hong Kong và một số nhà quan sát lập luận rằng, theo luật, người giúp việc nước ngoài bắt buộc phải sống với nhà chủ, như vậy họ tiết kiệm được tiền thuê nhà và việc tăng lương sẽ khiến nhiều cặp vợ chồng và cha mẹ đang đi làm không thể thuê họ.
Nhưng các nhà hoạt động và nhân viên cộng đồng lại cho rằng, hệ thống này rất cần được cải cách; quy định sống chung có thể khiến những người lao động nhập cư dễ bị tổn thương, gần như tất cả phụ nữ, mắc kẹt với những người chủ lạm dụng; không có giới hạn về số giờ làm việc tối đa của họ; và vì Luật Nhập cư, nhiều người ngại lên tiếng hoặc rời bỏ chủ lao động vì sợ bị trục xuất.
Theo quy định hiện hành, Hàn Quốc chỉ cho phép người nước ngoài có thị thực cụ thể làm công việc dọn phòng hoặc chăm sóc trẻ em, chẳng hạn như cư dân dài hạn, người di cư kết hôn và người Hàn Quốc đến từ nước ngoài. Chương trình thí điểm mới này nhằm mục đích mở rộng cơ hội làm việc đó cho những người có thị thực E-9 – những người lao động nước ngoài làm những công việc “không chuyên nghiệp”.
Theo daidoanket.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Công ty TNHH BAO BÌ GREEN LIFE
Viện thẩm mỹ EMMA XINH
Công ty cổ phần tập đoàn Halo Eco – tuyển dụng nhân viên nhà hàng, nhân viên pha chế
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – TB TUYỂN GIÁO VIÊN TIẾNG ANH
THÔNG BÁO TUYỂN CHỌN THỰC TẬP SINH NỮ ĐI THỰC TẬP KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN THEO CHƯƠNG TRÌNH IM JAPAN – ĐỢT 02/2024
Phiên giao dịch việc làm theo cụm xã tại huyện Văn Lãng
KÝ KẾT BIÊN BẢN THỎA THUẬN Về việc triển khai hợp tác quản lý lao động khu vực biên giới giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc
Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với đặc thù địa phương