Không chỉ những tập đoàn lớn đang ra sức “săn đón” nhân sự ngành trí tuệ nhân tạo (AI) mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng ráo riết tuyển dụng.
Ứng viên tìm hiểu thông tin về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp. |
“Trải thảm” tìm người giỏi
Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đang tìm kiếm ứng viên kỹ sư AI với mức lương 25 – 50 triệu đồng/tháng, kèm theo nhiều đãi ngộ hấp dẫn với yêu cầu đã có 1 – 2 năm kinh nghiệm.
Hiện, nhiều trường đại học chú trọng mở và đào tạo các ngành liên quan đến AI. Đầu vào những ngành này khá cao so với các ngành truyền thống. Trong khối Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Khoa học tự nhiên xét điểm chuẩn ngành trí tuệ nhân tạo theo điểm thi đánh giá năng lực là 1.032/1.200 điểm.
Tương tự, Viettel Cyberspace thuộc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội cũng đang chiêu mộ kỹ sư AI với mức lương 20 triệu đồng, kèm các khoản phúc lợi bằng tiền mặt khoảng hơn 2.000 USD/năm và nhiều đãi ngộ hấp dẫn khác.
Hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ khác ở TPHCM cũng đang “trải thảm” tuyển dụng kỹ sư AI với mức lương hấp dẫn từ 20 – 25 triệu đồng/tháng. Đơn cử như các công ty: Công ty Cổ phần Công nghệ Oryza Systems; Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ và Trí tuệ nhân tạo VietIS; Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam…
Bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search cho biết: Hiện có rất nhiều ngân hàng ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện. Trong đó, những nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như: AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối)… đang được săn đón. Tuy nhiên, nguồn cung này trong thực tế không dồi dào.
Báo cáo “Cơ hội AI cho Việt Nam – Một số khuyến nghị” của Google vừa công bố đã đưa ra nhận định, AI đang đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu.
Chuyên gia của Google nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỷ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% tổng dân số, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua chiến lược quốc gia về AI… Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội AI.
Google cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức quan trọng cần sớm được giải quyết, đó là sự thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI. Bên cạnh đó, các start-up (khởi nghiệp) về công nghệ AI tại Việt Nam đối mặt những thách thức khác như: Thiếu cơ hội tiếp cận các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về AI để đánh giá, thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp…
Theo chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực AI của Việt Nam hiện đang rất thiếu, trở thành thách thức không nhỏ trong quá trình đưa AI vận hành vào nền kinh tế.
Thay đổi để bắt kịp xu thế
Theo các chuyên gia lao động và việc làm, dù không thể thay thế con người, nhưng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến cho lực lượng lao động phải có những thay đổi để theo kịp xu thế.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới đi theo 4 xu hướng phát triển chính. Đó là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng thị trường lao động quốc tế, khởi nghiệp, tự tạo việc làm gia tăng. Vì vậy, chuyển đổi số là chiến lược được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu nên nhu cầu về nguồn nhân lực số cũng tăng cao.
Theo chuyên gia này, nguồn nhân lực số phải là những nhân sự được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.
Để phù hợp thị trường lao động phát triển theo yêu cầu công nghiệp 4.0 và hội nhập, người lao động phải đảm bảo 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp. Đó là: Năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, sẵn sàng học hỏi, dễ đào tạo nâng cao…); kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm, phân tích và tư duy phản biện và hài hòa áp lực công việc; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin; sử dụng tốt một ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật bao gồm pháp luật lao động.
“Để thích ứng với thị trường lao động, sinh viên cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các bạn trẻ cần chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi… Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trương Hiền Phương, chuyên gia kinh tế – tài chính đánh giá, xu hướng thị trường lao động đang mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hóa và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động.
Quá trình tái cơ cấu này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế. Có vậy mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin, mức điểm chuẩn là 980; Trường Đại học Kinh tế – Luật lấy điểm chuẩn ngành kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo là 873 điểm. Ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM có điểm chuẩn xét điểm thi đánh giá năng lực là 900. Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, điểm chuẩn phương thức đánh giá năng lực ngành IOT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng từ 720 điểm. Trong khi đó điểm chuẩn ngành này ở Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) là 650 điểm.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Công ty TNHH BAO BÌ GREEN LIFE
Viện thẩm mỹ EMMA XINH
Công ty cổ phần tập đoàn Halo Eco – tuyển dụng nhân viên nhà hàng, nhân viên pha chế
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – TB TUYỂN GIÁO VIÊN TIẾNG ANH
THÔNG BÁO TUYỂN CHỌN THỰC TẬP SINH NỮ ĐI THỰC TẬP KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN THEO CHƯƠNG TRÌNH IM JAPAN – ĐỢT 02/2024
Phiên giao dịch việc làm theo cụm xã tại huyện Văn Lãng
KÝ KẾT BIÊN BẢN THỎA THUẬN Về việc triển khai hợp tác quản lý lao động khu vực biên giới giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc
Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với đặc thù địa phương