Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau: Vùng I 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV 3.250.000 đồng/tháng.

Sau dịch COVID-19, tình trạng các doanh nghiệp (DN) khan hiếm đơn hàng diễn ra trên diện rộng và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người lao động. Việc nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm khiến thu nhập lao động giảm sút trong khi vật giá leo thang. Do  vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024 được cho là cần thiết xem xét trong bối cảnh hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi), công nhân một DN chuyên gia công giày da ở TP Thủ Đức, TP HCM cho biết, thời gian qua do đơn hàng của công ty giảm nên mỗi tuần anh chỉ làm 4 ngày/tuần, thu nhập vì thế giảm sút. Cồng chị là công nhân một doanh nghiệp điện tử cũng không khá hơn khi phải nghỉ việc luân phiên. Tổng thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng, rất khó để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con nhỏ. “Biết là doanh nghiệp khó khăn nhưng công nhân tụi em chỉ mong sớm được tăng lương tối thiểu để cuộc sống dễ thở hơn” – chị Hồng bày tỏ.

Khảo sát mới nhất về đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) do Viện Công nhân và công đoàn Tổng LĐLĐ VN thực hiện với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLĐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLĐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.

Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLĐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.