Dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường lao động ở nước ta có nhiều biến động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực khi số lao động mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập ngày càng tăng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nỗ lực giữ ổn định thị trường lao động, chủ động cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh được dự báo sẽ dần phục hồi.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)), từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ tháng 6 đến tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc…
Tình trạng này kéo dài buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê. Việc lao động trở ồ ạt về quê thời gian qua tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, tạo nên nghịch lý lớn về cung – cầu lao động. “Nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các tỉnh, thành tập trung nhiều ở khu công nghiệp chế xuất. Trong khi đó, một số địa phương có nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì lại dôi dư lao động, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng nguồn nhân lực”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình bày tỏ lo ngại.
Kết nối việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Đáng chú ý là, khi việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp (khu vực chính thức) giảm, người lao động phải tìm kiếm việc làm ở khu vực phi chính thức (không có hợp đồng lao động), dẫn đến số người làm công việc tự do tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 20 triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, chiếm hơn 57% số người tham gia lao động xã hội, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lao động thì lao động ở khu vực phi chính thức còn chịu nhiều thiệt thòi. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đánh giá, người lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức dễ bị tổn thương. Bởi, đa số họ làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn so với khu vực kinh tế chính thức, lại không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản…).
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để trợ giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, bảo đảm đời sống cho lao động tạm trú, lao động tự do, giúp họ yên tâm “ai ở đâu, ở yên đó”. Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đến nay, hàng chục triệu lao động trên cả nước đã được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Tại Hà Nội, đến hết ngày 12/9, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,603 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội với kinh phí 516,447 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,574 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 465,77 tỷ đồng). Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đã chung tay trợ giúp khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, tiền chi tiêu… cho hàng vạn lao động.
Chị Nguyễn Thị Hải, quê ở Hà Nam, hiện sinh sống tại phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng đã phải nghỉ việc ở công ty tư nhân về may mặc từ vài tháng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi được hỏi sẽ về quê tìm việc khác hay tiếp tục ở lại Hà Nội khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chị Hải chia sẻ: “Trong thời gian tôi buộc phải ngừng việc vì dịch bệnh, Công ty đã hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục để tôi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ở địa phương thì quan tâm hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, cũng cho tiêm vắc xin phòng dịch. Vì thế, dù dịch bệnh vẫn phức tạp và cuộc sống còn khó khăn nhưng cơ bản tôi yên tâm ở lại Hà Nội, chờ dịch bệnh được kiểm soát sẽ tiếp tục trở lại Công ty làm việc”.
Chị Nguyễn Thị Hà – quê ở Phú Thọ, công nhân một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn quận Hà Đông cũng cho biết, chị sẽ tiếp tục ở lại Hà Nội để chờ khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty gọi trở lại làm việc. “Công ty vẫn lo đủ việc làm cho người lao động, nhưng do thực hiện yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch nên chúng tôi phải nghỉ việc suốt gần 2 tháng qua.
Trong thời gian này, dù không có lương nhưng chúng tôi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho lao động ngừng việc, phía Công ty và địa phương cũng quan tâm chăm lo hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm thiết yếu nên cuộc sống không quá khó khăn. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm lắng xuống và chúng tôi lại trở lại Công ty làm việc”- chị Hà nói.
Cùng với hỗ trợ an sinh trước mắt, các cơ quan chức năng còn quan tâm bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động. Cụ thể, để người lao động rộng mở cơ hội việc làm, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đang đẩy mạnh tuyển sinh và có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm tham gia học nghề. “Chúng tôi phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề sát nhu cầu của xã hội cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay.
Song song đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được 63/63 tỉnh, thành phố chú trọng. Tại Hà Nội, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: Trung tâm tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung- cầu, đồng thời tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook…
Riêng trong tháng 8/2021, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tư vấn và cung cấp thông tin thị trường lao động cho 6.845 lượt người lao động, đã có 1.763 lao động được phỏng vấn kết nối việc làm; 682 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng. Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những kết quả này cho thấy, nếu tích cực tìm kiếm việc làm, người lao động vẫn có thể nắm bắt được những cơ hội tốt”.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn tạo điều kiện để người lao động, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới. Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh tin tưởng, mức độ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 1 triệu người lao động trong năm 2021.
Phạm Diệp
theo laodongthudo.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Công ty TNHH BAO BÌ GREEN LIFE
Viện thẩm mỹ EMMA XINH
Công ty cổ phần tập đoàn Halo Eco – tuyển dụng nhân viên nhà hàng, nhân viên pha chế
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – TB TUYỂN GIÁO VIÊN TIẾNG ANH
THÔNG BÁO TUYỂN CHỌN THỰC TẬP SINH NỮ ĐI THỰC TẬP KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN THEO CHƯƠNG TRÌNH IM JAPAN – ĐỢT 02/2024
Phiên giao dịch việc làm theo cụm xã tại huyện Văn Lãng
KÝ KẾT BIÊN BẢN THỎA THUẬN Về việc triển khai hợp tác quản lý lao động khu vực biên giới giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc
Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với đặc thù địa phương