Phục hồi và phát triển kinh tế: Ưu tiên khôi phục thị trường lao động

Thiếu hụt nguồn lao động đã và đang là một trong những khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, vì thế tham gia tham vấn chính sách, tại Diễn đàn Kinh tế Việt nam 2021 vừa diễn ra, nhiều chuyên gia nhấn mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế, thì các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động đang trở nên ngày càng cấp bách và cần có lộ trình triển khai cụ thể.

Không chỉ gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế, 4 đợt dịch COVID-19 vừa qua đã và đang khiến thị trường lao động đối mặt tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Các địa phương cần có phương án hỗ trợ lao động quay lại nơi làm việc

Theo chuyên gia Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm lực lượng lao động (do nhiều người lao động thoái lui khỏi thị trường lao động), đồng thời hàng triệu người lao động bị mất việc làm.

Vì thế, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung – cầu lao động bị thu hẹp, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh/thành phố lớn, các khu công nghiệp- khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Ảnh minh họa

ảnh minh họa

“Lao động mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, rút khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ nơi cư trú, đã làm phá vỡ/đứt gãy các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động. Cùng với đó, di chuyển lao động gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương cũng như tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh”, ông Lợi nhấn mạnh và nêu rõ, vì thế việc sớm phục hồi thị trường lao động là một cấu phần tất yếu của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Để thúc đẩy nhanh sự “ấm lại” của thị trường lao động, ông Bùi Sỹ Lợi nêu giải pháp, song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.

“Các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung – cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn,… Đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc”, ông Lợi chia sẻ.

Thiết kế và phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới

Để thiết kế và phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất một số giải pháp.

Trước mắt, cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 của Chính phủ.

“Đồng thời cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mới dịch chuyển vào Việt Nam, rồi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới.

Về nội dung này, phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần phân bổ nguồn lực hợp lý vào lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy của thị trường lao động.

Ngoài ra, chuyển đổi thị trường lao động đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ, đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm dịch vụ, việc làm công, việc làm có trợ cấp, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp…

Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ tiền xây nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề, sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.

Thành Công

theo baodansinh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.