Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nếu dịch được khống chế, trong thời gian tới vẫn có khoảng 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng.

Còn ít lao động được hỗ trợ

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ ngày 9-7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do DN tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động (NLĐ) bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.

Đồng hành cả nước chống dịch Covid-19, kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ NLĐ, các cấp Công đoàn đã và đang triển khai những nội dung chính như: Chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.376 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình cho thấy đời sống NLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Số được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 23.000 tỉ đồng) còn rất thấp. Cụ thể là theo báo cáo của 27 LĐLĐ tỉnh, thành phố cho thấy mới có 1,16 triệu đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ.

Tìm thêm nguồn hỗ trợ lao động thất nghiệp - Ảnh 1.

Lãnh đạo LĐLĐ TP Đà Nẵng (bìa trái) trao hỗ trợ cho lao động mất việc tại quận Sơn Trà Ảnh: QUANG LUẬT

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thông qua việc tăng cường hỗ trợ trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngành lao động ở một số địa phương đã tạo thuận lợi cho NLĐ mất việc, nhất là NLĐ ở các khu vực cách ly, phong tỏa được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số địa phương còn linh hoạt hỗ trợ vốn vay nhằm tạo điều kiện cho NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp, điển hình như Thanh Hóa, Đà Nẵng. Nhưng theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ lại khó thực hiện và không hiệu quả như mong muốn. Thực tế, rất nhiều DN đang phải vật lộn để duy trì sản xuất, không có thời gian xây dựng phương án đào tạo hoặc có thì cũng chưa thể thực hiện khi nhiều tỉnh, thành kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (KCN Bình Chiểu; TP Thủ Đức, TP HCM), bày tỏ: “NLĐ mất việc không chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp để trang trải cuộc sống trước mắt mà còn kỳ vọng vào kế hoạch đào tạo lại tay nghề từ phía người sử dụng lao động. DN chưa hoạt động lại do không đủ điều kiện rất khó nắm chắc nhu cầu thực sự của NLĐ, chưa kể hoàn tất thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định rất nhiêu khê”.

Theo nld.com.vn