Báo cáo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm của người lao động thực hiện qua những con đường phi chính thức.
Bộ KH&ĐT cũng đánh giá cao tác động tích cực của hiện tượng di cư chính là cải thiện chất lượng nguồn lao động và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giai đoạn tới, cần ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động…
Thị trường lao động có nhiều dịch chuyển tích cực
Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho rằng, những năm qua, thị trường lao động đã có những cải thiện rõ nét về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn lực và giải quyết việc làm cho người lao động.
Kết quả, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh sang mang tính ổn định, bền vững hơn…
Ảnh minh họa
“Lao động Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ những ngành nghề đơn giản sang đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao hơn; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn. Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp cũng có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHXH tự nguyện đã tăng nhiều so với trước”, bà Quỳnh nói.
Tuy vậy, báo cáo của CIEM nhìn nhận, thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung – cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Báo cáo nêu, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2 – 3% tìm qua trang web.
Theo Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.
Di cư lao động: Bù đắp sự thiếu hụt
Theo các chuyên gia, di cư lao động không chỉ giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nơi đi, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo và đóng góp vào phát triển quê hương, việc người dân di cư đến nơi khác làm việc khi quay trở về sẽ là nguồn lao động có chất lượng cho địa phương, nhất là khi họ được tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các công ty lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp người di cư học được các kỹ năng mềm trong mọi lĩnh vực.
TS Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) cho biết: “Đối với nơi đến, nguồn lao động nhập cư đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung cấp nguồn lao động và trực tiếp chi tiêu ở nơi đến. Lao động nhập cư cũng giúp bù đắp sự thiếu hụt cả những lao động có kỹ năng cũng như lao động phổ thông cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế địa phương. Họ trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ tại nơi đến, tạo động lực cho phát triển. Đặc biệt là người lao động sau khi được đào tạo, họ thường muốn tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn, vì vậy sẵn sàng di cư đến nơi khác để tìm cơ hội cho tương lai, điều này giúp dịch chuyển và lan tỏa nguồn LĐ chất lượng cao đến những địa phương khác…”.
Theo nghiên cứu của CIEM, ở Việt Nam những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với quy mô và tốc độ nhanh, nhu cầu lao động công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh tại các đô thị, trong khi lao động tại chỗ không đáp ứng kịp, nên các nhà sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng lao động chủ yếu từ nông thôn, làm tăng thêm sức hút lao động nông thôn.
Như vậy, cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn ở đô thị đã tạo nên động cơ nhập cư vào đô thị.
Còn theo TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM: 3 nguyên nhân dẫn đến di cư, gồm: Do lực hút ở nơi đến và lực đẩy ở nơi đi; sự điều tiết của thị trường lao động; sự điều tiết của nhà nước vào quá trình chuyển dịch lao động.
Như vậy, di cư tạo ra tác động và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển dịch lại nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng nguồn lao động. Trong đó, cơ cấu lại nền kinh tế là quá trình sắp xếp lại nền kinh tế với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: Để phát triển thị trường lao động ổn định, bên cạnh hoàn thiện thể chế, cần khơi thông thị trường, giúp người lao động dễ dàng dịch chuyển theo tín hiệu thị trường, đi từ nơi dư thừa đến nơi thiếu lao động.
Cùng với đó, cần đưa ra những chính sách để tăng cường kết nối giữa người sử dụng lao động và bên cung ứng lao động, bởi theo ông Tú Anh, “khi nhu cầu sử dụng lao động thay đổi, người sử dụng lao động nắm rõ nhất, nhưng nếu không có sự kết nối với những cơ sở đào tạo kỹ năng, lao động đào tạo ra sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, không đủ năng lực để đáp ứng trong khi người cần sử dụng vẫn không tuyển dụng được lao động”.
Nguyễn Thanh
theo baodansinh.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
THÔNG BÁO TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
CÔNG TY CỔ PHẦN REDSTARCERA – tuyển công nhân
CÔNG TY CP GIẢI PHÁP GIÁO DỤC HƯNG YÊN – Tuyển giáo viên dạy tiếng anh
CÔNG TY TNHH TẬP ĐOÀN DR.AZ – TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – Tuyển dụng giáo viên tiếng Anh
CÔNG TY CP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN – Tuyển lao động kỹ thuật
Tập đoàn đèo cả
CTY CP ĐẦU TƯ SAO BẮC VIỆT – thông báo tuyển LĐ kỹ thuật