Ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Nhưng thực tế nhiều lao động chưa tận dụng tốt chính sách này.
Số lao động thất nghiệp tham gia học nghề có tỷ lệ thấp
Ngoài việc trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng người lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp họ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới.
Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu học nghề thì đa số người lao động khi mất việc lại thường chọn phương án hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng BHTN ở mức cao, nhất là từ khi có dịch Covid-19 nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo thống kê của tổ chức công đoàn tính đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Ngoài số bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc nhưng vẫn có hưởng lương; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì có hơn 48.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Gần 50.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc những lao động này rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Thực tế, phần lớn người lao động khi bị mất việc làm sẽ nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp sau đó tìm một công việc khác, số doanh nghiệp có chế độ đào tạo nghề cho người lao động còn khiêm tốn. Tính từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề gần 30,4 nghìn người/năm, chỉ chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm.
Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, mà nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Mặt khác, dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển vào chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc cũng có xu hướng chuyển về địa phương để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt nên không có nhu cầu học nghề.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, lý giải ở góc độ xã hội thì nguyên nhân này có thể là do những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ hiện nay còn hạn chế. Chính sách của BHTN cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác như ăn ở, đi lại.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người lao động cho rằng sau khi học nghề chỉ được chứng nhận bằng nghề sơ cấp. Với chứng chỉ này, họ có xin được việc mới thì mức thu nhập chênh lệch không bao nhiêu so với mức của lao động phổ thông. Do vậy, họ chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp.
Đào Bích Huyền, nhân viên một công ty dệt may tại Hà Nội cho biết, hơn 20 năm gắn bó với công ty, dự tính sẽ làm lâu dài nhưng bỗng nhiên bị cắt giảm khối lượng công việc sau đó buộc nghỉ việc, thời gian tới chưa biết phải xoay sở ra sao. Với tình hình này trước mắt chị Huyền sẽ chọn phương án hưởng trợ cấp thất nghiệp để có thể gánh vác, lo toan một phần cho gia đình. Theo chị, trong điều kiện hiện tại, việc nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giải quyết một phần kinh tế eo hẹp khi chưa tìm được việc làm phù hợp.
Trên thực tế, không riêng gì chị Huyền, khi bị mất việc làm, phần lớn người lao động cũng sẽ nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm một công việc khác. Số doanh nghiệp có chế độ đào tạo nghề cho người lao động rất khiêm tốn.
Chị Nguyễn Thanh Giang (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được tư vấn học nghề. Mặc dù rất mong muốn được giới thiệu việc làm để sớm đi làm trở lại nhưng do hoàn cảnh tôi vẫn lựa chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số nghề có thể phù hợp với tôi như kế toán thì với thời gian đào tạo đến vài tháng, học xong cũng rất khó tìm kiếm được việc làm bởi nghề này đòi hỏi trình độ phải được đào tạo bài bản”, chị Giang chia sẻ.
Cần hiểu rõ nhu cầu của người lao động
Những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của BHTN cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến người lao động đang gặp khó khăn.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp cần nộp đủ BHTN 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động đã bỏ quên. Các cấp, các ngành đã làm công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu được họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định, nhưng rất ít người biết đến chính sách này, hoặc có tư vấn nhưng nhiều người chưa quan tâm.
Hiện tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có 4 nghề đào tạo cơ bản, gồm: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật nấu ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp. Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn, như: Học lái xe, làm bánh, kế toán, spa,…
Cần có nhiều ngành nghề như spa, đào tạo mẫu tóc, làm bánh, kế toán,… để phù hợp với nhu cầu của người lao động. |
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động thời gian qua (ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hay như do thiếu đơn hàng mà hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm từ giai đoạn cuối năm 2022 đến nay) mà người lao động không “mặn mà” với chính sách học nghề khi thất nghiệp là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.
“Tuy vậy, có một vấn đề cũng cần có sự điều chỉnh để thu hút người lao động quan tâm học nghề là đào tạo phải theo nhu cầu. Người ta có nhu cầu học nghề xây dựng chẳng hạn nhưng mình chỉ dạy nấu ăn với may vá thì làm sao mà thu hút được. Do đó, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.”, bà Hương nhấn mạnh.
Từ thực tế này, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
THÔNG BÁO TUYỂN LAO ĐỘNG KỸ THUẬT
CÔNG TY CỔ PHẦN REDSTARCERA – tuyển công nhân
CÔNG TY CP GIẢI PHÁP GIÁO DỤC HƯNG YÊN – Tuyển giáo viên dạy tiếng anh
CÔNG TY TNHH TẬP ĐOÀN DR.AZ – TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG
CÔNG TY TNHH BIRDNEST EDU – Tuyển dụng giáo viên tiếng Anh
CÔNG TY CP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN – Tuyển lao động kỹ thuật
Tập đoàn đèo cả
CTY CP ĐẦU TƯ SAO BẮC VIỆT – thông báo tuyển LĐ kỹ thuật